BSCK2 Thi Văn Gừng, Phó Giám đốc Trung tâm can thiệp mạch, Trưởng Đơn vị Hình ảnh học can thiệp Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, bệnh nhân Lê Nguyễn Lân (85 tuổi, Đồng Nai) nhập vào ngày 18.10 trong tình trạng uể oải, tinh thần sa sút do nhiều đêm không ngủ ngon giấc, đi tiểu khó khăn.
Siêu âm, chụp CT và MRI, kết hợp với các xét nghiệm cần thiết cho thấy nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bệnh nhân là do phì đại tiền liệt tuyến. Thể tích tiền liệt tuyến của bệnh nhân ước tính khoảng 120 ml, gấp khoảng 5 lần kích thước tiền liệt tuyến của người bình thường (chỉ khoảng 25 ml).

Hình ảnh chụp MRI cho thấy tuyến tiền liệt phì đại (chụp thẳng và cắt ngang), lồi vào lòng bàng quang, thể tích khoảng 120 ml. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Ông Lân chia sẻ ông bị tiểu khó, tiểu lắt nhắt kéo dài nhiều năm nay nhưng không đi khám kiểm tra. Gần đây các triệu chứng ngày càng nặng nên người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị.
Vì bệnh nhân lớn tuổi, kèm bệnh nền nặng tăng huyết áp, tiểu đường, các bác sĩ ngoại tiết niệu và bác sĩ can thiệp mạch đã thống nhất điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp can thiệp nội mạch tắc mạch tiền liệt tuyến. Quá trình thủ thuật kéo dài 2 tiếng, tắc thành công các nhánh động mạch tiền liệt tuyến tăng sinh hai bên cho bệnh nhân.
Các bác sĩ đã ứng dụng phần mềm hiện đại Embolization Guidance có khả năng vẽ đường đi của động mạch đến nuôi u, giúp việc can thiệp được chính xác và rút ngắn thời gian đáng kể.
"Thủ thuật này là một thủ thuật khó, đòi hỏi người bác sĩ rất kiên nhẫn và bình tĩnh để cố gắng tiếp cận vào sâu nhánh động mạch tiền liệt tuyến, tránh những nhánh mạch máu thông nối nuôi bàng quang, túi tinh và dương vật để tránh các tai biến, biến chứng không mong muốn", bác sĩ Gừng cho biết.
Sau can thiệp một ngày, bệnh nhân được xuất viện và tái khám theo dõi kiểm tra sau một tuần.

Ê kíp can thiệp phì đại tiền liệt tuyến thành công cho cụ ông 85 tuổi. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
TS.BS Nguyễn Hoàng Đức - Trưởng khoa Tiết Niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết tăng sản tiền liệt tuyến lành tính là bệnh lý thường gặp ở nam giới, chiếm 60% những người 60 tuổi và khoảng 80% những người 80 tuổi theo Hiệp hội Tiết niệu Mỹ (AUA) báo cáo năm 2021. Lâu ngày tiền liệt tuyến sẽ to ra chèn ép niệu đạo gây ra các triệu chứng đường tiểu dưới ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Phẫu thuật nội soi cắt u phì đại tiền liệt tuyến thường được chỉ định vì đây là phương pháp hiệu quả cao, ít xâm lấn và thời gian hồi phục nhanh. Tuy nhiên với sự tiến bộ và phát triển của y khoa kết hợp với máy móc hiện đại, phương pháp can thiệp nội mạch cũng là một lựa chọn tốt trong điều trị bệnh lý phì đại tiền liệt tuyến, đặc biệt là với những bệnh nhân lớn tuổi hoặc nhiều bệnh nền đi kèm, chống chỉ định với phẫu thuật.
BS Gừng cho biết thêm, can thiệp nội mạch tắc mạch điều trị phì đại tiền liệt tuyến là một thủ thuật khó, đòi hỏi nhiều đến kinh nghiệm của bác sĩ và kết hợp với dụng cụ hiện đại bởi vì động mạch tiền liệt tuyến thường rất nhỏ, ngoằn ngoèo, có nhiều biến thể giải phẫu và trên bệnh nhân lớn tuổi thì mạch máu xơ vữa góp phần làm khó khăn hơn cho việc điều trị.
* Tên nhân vật đã thay đổi
Nguyễn Dương Thi