Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Lê Chuyên, Giám đốc trung tâm Tiết niệu thận học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh rất phổ biến ở nam giới. Tần suất bệnh gia tăng theo mỗi thập kỷ. Các kết quả nghiên cứu tử thi cho thấy, ung thư tuyến tiền liệt chiếm 15-60% ở nhóm nam giới trong độ tuổi từ 60-90. Tỷ lệ nam giới trên 65 tuổi bị ung thư là 75%. Nguy cơ mắc bệnh cao nhất thuộc về nhóm nam giới da đen.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Vũ Lê Chuyên chia sẻ một mâu thuẫn, đó là ung thư tuyến tiền liệt chẩn đoán khó thì điều trị dễ, mà chẩn đoán dễ thì điều trị lại rất khó khăn. Có 3 nhóm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt bao gồm: thấp, vừa và cao. Một số tác giả phân thêm 2 nhóm là rất thấp và rất cao. Với nhóm nguy cơ thấp, bệnh mới được phát hiện, khối ung thư nhỏ, do đó bác sĩ dễ điều trị tận gốc, triệt để. Người bệnh có thể sống hoàn toàn bình thường với tỷ lệ 80-90% và mất vì những bệnh khác, không phải do ung thư tuyến tiền liệt.
Ở nhóm nguy cơ cao, người bệnh được phát hiện ở tình trạng khối u đã di căn, xâm lấn vào trực tràng, xương. Kết quả xét nghiệm chỉ số kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt cao (PSA) có thể lên đến 100, điểm Gleason 10. Triệu chứng càng rõ rệt chứng tỏ tình trạng càng trầm trọng. Việc điều trị vì vậy sẽ trở nên khó khăn hơn, cuộc sống của người bệnh cũng ngắn lại.
Do đó, tầm soát sớm có giá trị quyết định trong điều trị cho bệnh nhân. 1/8 nam giới được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt vào một thời điểm nào đó trong đời và tỷ lệ tử vong là 1/41. Đây là thành quả của việc điều trị, đặc biệt là ở giai đoạn sớm. Kiểm tra định kỳ giúp bác sĩ phát hiện nhiều trường hợp ung thư tuyến tiền liệt trước khi di căn.
Phó Giáo sư Vũ Lê Chuyên cho biết, không có xét nghiệm nào được xem là tiêu chuẩn trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Thông thường, bác sĩ tiết niệu sẽ chỉ định xét nghiệm để đánh giá nồng độ kháng nguyên tuyến tiền liệt (PSA). Theo quy luật, mức PSA trong máu càng cao, nam giới càng có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Chỉ số PSA dễ tăng cao do tác dụng phụ của thuốc, tuyến tiền liệt bị phì đại hay nhiễm trùng, có quan hệ tình dục... Nếu kết quả PSA bất thường, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt để xác định nguy cơ ung thư.
Phương pháp tầm soát phổ biến khác là thăm khám qua ngả trực tràng bằng tay (DRE). Bác sĩ đánh giá cấu trúc tuyến tiền liệt qua thành trực tràng để tìm kiếm dấu hiệu ung thư như cứng chắc, u cục... Thang điểm Gleason cũng được áp dụng vào tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Điểm Gleason càng thấp, nguy cơ ung thư, sự tiến triển càng ít và tiên lượng tốt hơn.
Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển âm thầm, ít khi có triệu chứng cụ thể. Ở giai đoạn tiến triển, người bệnh thường có các dấu hiệu mơ hồ, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác như tiểu máu, căng tức bàng quang, tiểu ngắt quãng, tia nước tiểu yếu, tiểu không hết, tiểu nhỏ giọt cuối bãi... Đến khi có biểu hiện đau xương, gãy xương, chèn ép tủy là tế bào ung thư đã di căn đến xương chậu, cột sống, xương sườn...
Việc dự đoán khối u nào sẽ phát triển, tốc độ lây lan nhanh hay chậm là không dễ. Do đó, nam giới nên trao đổi với bác sĩ về ưu và nhược điểm của các phương pháp tầm soát dựa trên các yếu tố như độ tuổi, tình trạng sức khỏe, nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt...
Với sự tiến bộ của y học, ngày nay nhiều nam giới được tầm soát và phát hiện sớm, giúp cho việc điều trị ung thư tuyến tiền liệt mang lại hiệu quả cao. Việc sàng lọc nên được thực hiện hàng năm ở nam giới trên 50 tuổi và có thể bắt đầu ở tuổi 45 với nam giới có nguy cơ cao như tiền sử gia đình có trực hệ về phía nam bị ung thư tuyến tiền liệt hoặc trực hệ về phía nữ bị ung thư vú, Phó Giáo sư Vũ Lê Chuyên nhấn mạnh.
Hân Thái