Đại tá Nguyễn Thành Trung là một phi công giàu kinh nghiệm, người Việt Nam đầu tiên lái máy bay Boeing 767 và 777 hiện đại. Ông cũng được ghi danh vào lịch sử giai đoạn trước 1975 là người lái máy bay ném bom vào Dinh Độc Lập.
Ông Trung tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường nhiều năm. Lần này, ông bị đau ngực, khó thở, vã mồ hôi, mệt lả; ba giờ sau được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Ngày 13/3, BS.CKI Lê Văn Tuyến, Trung tâm Tim mạch, cho biết ông Trung có biểu hiện của cơn nhồi máu cơ tim cấp, ST chênh lên (tắc hoàn toàn ít nhất một nhánh động mạch vành - mạch máu chính nuôi tim). Động mạch liên thất trước hẹp khít 90%, động mạch vành phải tắc hoàn toàn. Bác sĩ sử dụng thuốc đặc trị nhằm ổn định huyết động, nhịp tim, nâng huyết áp cho người bệnh.
Ê kíp tái thông nhánh mạch vành phải nhằm giảm tổn thương cơ tim, ngăn loạn nhịp tim, vỡ tim. Biến chứng nguy hiểm nhất có thể gặp trong quá trình làm thủ thuật là block nhĩ thất gây chậm nhịp tim, tụt huyết áp. Vì vậy, bác sĩ đặt một đường dẫn tĩnh mạch đùi, có máy tạo nhịp tạm thời để tránh đột tử. Ê kíp đặt thành công một stent vào động mạch vành phải, tái tưới máu cho vùng cơ tim suy yếu.
Một ngày sau ca can thiệp, ông hết triệu chứng đau ngực, khó thở. 5 ngày sau, ca can thiệp thứ hai diễn ra với mục tiêu nong động mạch liên thất trước hẹp khít nặng cho ông. Nhờ đó, người bệnh được phòng ngừa nguy cơ mảng xơ vữa ở nhánh mạch máu này bong ra làm tắc nghẽn dòng chảy, gây tái nhồi máu cơ tim cấp.

Bác sĩ Tuyến theo dõi tình trạng sức khỏe cho đại tá Nguyễn Thành Trung sau ca can thiệp đầu tiên. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị Can thiệp Mạch vành - Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ê kíp sử dụng lượng thuốc cản quang 5 ml, chỉ bằng 1/10 lượng sử dụng cho một ca đặt stent thông thường (khoảng 50-100 ml). Bệnh nhân lớn tuổi, lại vừa trải qua ca thủ thuật trước đó không lâu, nếu tiếp tục dùng nhiều thuốc cản quang dễ tổn thương thận.
Nhờ sự hỗ trợ của hệ thống can thiệp mạch cánh tay robot xoay 360 độ, bác sĩ thực hiện kỹ thuật Cardiac Swing với lượng thuốc thấp. Ê kíp đặt một stent đường kính tối ưu (3,5 mm nong lên 4 mm) giảm nguy cơ tái hẹp sau này.
Vì can thiệp qua đường động mạch quay ở cổ tay nên ông Trung có thể đi lại sau hai giờ thủ thuật thay vì phải nằm bất động chân 12-24 tiếng nếu can thiệp qua đường động mạch đùi. Sức khỏe ông hồi phục sau hai ngày, tim co bóp tốt.

Các bác sĩ đặt stent tái thông mạch vành trái phòng ngừa tái phát nhồi máu cơ tim cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Huyền
Tắc trong stent do huyết khối (do stent không áp sát thành mạch) và tái hẹp (hình thành mô sẹo bên trong stent) là hai biến chứng phổ biến nhất sau đặt stent, theo BS CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch. Tái hẹp thường xảy ra trong vòng 6-12 tháng sau thủ thuật.
Để khắc phục, bác sĩ khảo sát nguyên nhân tái hẹp, nong bóng lại hoặc đặt một stent khác vào trong lòng stent bị tái hẹp. "Huyết khối trong stent là biến chứng nguy hiểm, khả năng đột tử cao", bác sĩ Long cho biết.
Để phòng ngừa hai biến chứng trên, bệnh nhân cần uống thuốc kháng kết tập tiểu cầu đúng liều lượng, chế độ ăn uống tốt, vận động thể chất thường xuyên, giảm căng thẳng, không hút thuốc lá. Người bệnh cần tái khám định kỳ.
Thu Hà
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |