Ngày 6/9, ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao, Phó khoa Loạn nhịp - Điện sinh lý, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết bệnh nhân suy tim nặng, chỉ số phân suất tống máu (đánh giá chức năng bơm máu của tim) còn 20%, giảm 2/3 so với người bình thường, nhịp tim nhanh (140 lần một phút). Ông Hùng không thể nằm vì hai phổi có hiện tượng ứ dịch do suy tim. Buồng nhĩ giãn lớn, xuất hiện huyết khối (các cục máu đông).
Bệnh nhân tiền sử rung nhĩ (rối loạn nhịp tim) 7 năm, vẫn sinh hoạt bình thường, không tái khám. Đầu tháng 9 đến nay, ông thở dốc khi leo cầu thang, khó thở, không thể chơi thể thao, mất ngủ.
Ông Hùng nhập viện, điều trị bằng thuốc chống loạn nhịp, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng đông. Khi nhịp tim về mức 100 nhịp một phút, người bệnh hết khó thở. Một ngày sau, ông đột ngột mất tri giác, cứng lưỡi, liệt nửa mặt. Kết quả chụp CT não cho thấy nhồi máu não diện rộng do huyết khối trôi từ tim làm nghẽn mạch não, gây đột quỵ.
"Huyết khối trong tim bệnh nhân hình thành do rung nhĩ kéo dài", bác sĩ Thao giải thích, thêm rằng sử dụng thuốc kháng đông chỉ giúp cục máu đông không lớn thêm, còn muốn tan huyết khối phải mất nhiều thời gian. Trường hợp này, huyết khối làm bít tắc mạch máu lớn ở não khiến người bệnh đột quỵ.
Ông Hùng được cấp cứu nhanh nên thoát nguy kịch, nhưng gặp di chứng nói khó, đi không vững, không thể tự ăn uống, mắt mờ.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, cho biết rung nhĩ phổ biến ở người trên 60 tuổi, nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5-7 lần người bình thường. Máu bị ứ đọng trong tâm nhĩ, dẫn đến hình thành cục máu đông trong tim là biến chứng nguy hiểm nhất của rung nhĩ. Những cục máu đông này có nguy cơ di chuyển theo mạch máu đến não hoặc các cơ quan khác gây đột quỵ hoặc tắc mạch máu cấp. Người bệnh dễ suy tim và làm nặng thêm các bệnh tim mạch khác.
Bên cạnh điều trị rung nhĩ bằng thuốc, bác sĩ có thể can thiệp triệt đốt hoặc sốc điện chuyển nhịp, cấy máy tạo nhịp cho bệnh nhân.
Để phòng bệnh, mỗi người nên xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế rượu bia, các chất kích thích như caffeine và nước tăng lực, ngưng hút thuốc lá, tập thể dục đều đặn, giảm căng thẳng.
Người lớn tuổi, người có bệnh nền tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, cường giáp, hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh van tim, đột quỵ... nên kiểm soát chặt chẽ bệnh nền và tầm soát rung nhĩ định kỳ.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
20h, ngày 7/9, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Rung nhĩ và Rối loạn nhịp tim: Điều trị nội khoa hay can thiệp?" phát trên fanpage VnExpress. Chương trình giải đáp thắc mắc về rung nhĩ và rối loạn nhịp, biến chứng nghiêm trọng của bệnh, cách điều trị và phòng ngừa. Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Hệ thống bệnh viện Tâm Anh tham gia gồm: PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, TS.BS Trần Văn Đồng và ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao. Độc giả đặt câu hỏi tại đây. |