Trả lời:
Béo phì là một bệnh lý mạn tính tiến triển, có xu hướng gia tăng. Đặc trưng của béo phì là tình trạng tích trữ mỡ trong cơ thể, thể hiện qua chỉ số khối của cơ thể (BMI). BMI là sự tương quan giữa cân nặng và chiều của cơ thể, được tính bằng công thức: cân nặng (kg) chia cho chiều cao bình phương (m). Người có cân nặng bình thường thì BMI nằm trong khoảng từ 18,5 đến 24,9, thừa cân nếu BMI từ 25 đến 30 và béo phì nếu BMI lớn hơn 30.
Thừa cân, béo phì không chỉ gây ra tâm lý tự ti về ngoại hình, vóc dáng mà còn tiềm ẩn rất nhiều bệnh lý nguy hiểm như: tim mạch, đột quỵ, cao huyết áp, cholesterol cao, ngưng thở lúc ngủ, tiểu đường type 2, các vấn đề về xương khớp, hội chứng chuyển hóa. Do vậy, ngoài mục đích giảm cân, cải thiện vóc dáng, phẫu thuật giảm cân còn giúp ngăn ngừa và cải thiện các vấn đề về sức khỏe liên quan đến cân nặng.
Cách giảm cân thường bắt đầu bằng việc thay đổi chế độ ăn uống và thực hiện các bài tập thể dục hoặc có thể kết hợp với dùng thuốc. Phẫu thuật giảm cân là phương pháp cuối cùng được bác sĩ khuyến nghị khi người béo phì có chỉ số BMI từ 40 trở lên hoặc BMI từ 35-39,9 và đã áp dụng các biện pháp trên nhưng không mang lại hiệu quả hoặc có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như huyết áp cao, tiểu đường, ngưng thở, cholesterol cao...
Trong số những thủ thuật giảm béo hiện nay, nội soi đặt bóng, phẫu thuật thắt đai dạ dày, phẫu thuật tạo hình ống dạ dày, phẫu thuật nối tắt dạ dày mang đến hiệu quả giảm cân rõ rệt và an toàn. Những phẫu thuật này có tác dụng giảm thể tích khoang chứa trong dạ dày, giúp người bệnh no nhanh và ít cảm thấy đói hơn, giảm khả năng hấp thu dưỡng chất.
Trong đó, phẫu thuật tạo hình ống dạ dày mang lại hiệu quả cao. Phương pháp này loại bỏ khoảng 70% dạ dày ở phía bờ cong lớn, hình thành một dạ dày mới với kích thước nhỏ hơn, giảm tiết hormone ghrelin tạo cảm giác đói, thèm ăn. Nhờ đó, người bệnh giảm cân ổn định sau phẫu thuật. Đây là phương pháp phẫu thuật giảm cân tối ưu nhất khi giảm 30% lượng cân thừa sau 3 tháng, 50% sau 6 tháng và 70% sau một năm.
Phẫu thuật tạo hình ống dạ dày được đánh giá có mức độ an toàn cao, với tỷ lệ sống khoảng 99,9%. Có khoảng 10% bệnh nhân trải qua phẫu thuật gặp phải biến chứng, nhưng hầu hết là những biến chứng nhẹ và không nguy hiểm đến tính mạng. Xét về lâu dài, các tác hại từ bệnh lý béo phì gây nguy hiểm hơn nhiều so với nguy cơ từ phẫu thuật giảm cân. Chẳng hạn người bị béo phì có nguy cơ tử vong trong 5 năm cao hơn 85% bệnh nhân đã thực hiện phẫu thuật giảm cân.
Khi quyết định phẫu thuật, người bệnh được bác sĩ tư vấn cặn kẽ giữa lợi ích đạt được, chi phí và những rủi ro có thể xảy đến. Người bệnh cần hiểu phẫu thuật giảm cân chỉ là một phần trong điều trị béo phì. Nguyên tắc cơ bản để giảm cân và duy trì cân nặng ở mức hợp lý là cần kết hợp với chế độ ăn uống, luyện tập thể thao và lối sống lành mạnh. Do đó, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các thay đổi về ăn uống và sinh hoạt sau phẫu thuật để đạt được hiệu quả cũng như tránh tình trạng tăng cân trở lại.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng
Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Vào lúc 20h, thứ Năm, ngày 6/7, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Thừa cân béo phì - Giảm cân an toàn và phẫu thuật" phát trên fanpage VnExpress. Chương trình có sự tham gia tư vấn của các bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực tiêu hóa, dinh dưỡng, nội tiết của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM gồm: TS.BS Đỗ Minh Hùng (Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa), TS.BS Lâm Văn Hoàng (Cố vấn chuyên môn, bác sĩ Khoa Nội tiết - Đái tháo đường), BS.CKI Đào Thị Yến Thủy (Trưởng khoa Khoa Dinh dưỡng Tiết chế). Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây để được các bác sĩ giải đáp. |