Hôn lễ của Hồ Thị Lệ Thủy (30 tuổi, ngụ Bình Dương) đã được hai bên gia đình chuẩn bị chu toàn vào tháng 8 sắp tới. Đầu tháng 6, khi cùng chồng sắp cưới đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, cô bàng hoàng khi được bác sĩ chẩn đoán ung thư vú bên trái. Mất nhiều ngày sau, Thủy mới định thần trở lại và chấp nhận phối hợp điều trị cùng bác sĩ.
Bệnh ở giai đoạn đầu, khối u chưa di căn nhưng điều làm cô lo lắng nhất là quá trình điều trị sử dụng các loại thuốc ức chế hormone nữ kéo dài gây ảnh hưởng đến buồng trứng.
"5 năm điều trị với thuốc phải trì hoãn việc mang thai, cộng với tác dụng phụ của thuốc có thể khiến tôi không còn khả năng sinh con sau này nữa", Thủy nói.
Cô quyết định trữ trứng để bảo tồn khả năng làm mẹ. Các bác sĩ liên chuyên khoa Ung bướu, Ngoại vú và Hỗ trợ sinh sản đã phối hợp xây dựng phác đồ điều trị cho Thủy. Bệnh nhân được cắt bỏ mô vú bên trái chứa khối u, đồng thời đoạn nhũ cả bên phải để phòng ngừa khối u lan ra. Phương pháp phẫu thuật mới bảo tồn da để sau này bệnh nhân có thể được tái tạo vú.
Sau phẫu thuật, bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA-HCMC) xây dựng phác đồ kích thích buồng trứng với liều thấp, phù hợp với nhóm bệnh nhân mắc K vú tương tự như Thủy. Kết quả sau đó chọc hút được 15 noãn trưởng thành để trữ lạnh.
Bác sĩ Mỹ Tú cho biết, bệnh nhân may mắn phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, được điều trị tích cực nên giới hạn được khối u. Ngoài ra, bệnh nhân được trữ trứng ở độ tuổi còn trẻ, do đó chỉ cần kích thích buồng trứng một lần đã thu được số lượng noãn nhiều, chất lượng tốt.
"Thời gian điều trị các loại ung thư nói chung, ung thư vú nói riêng, là khá dài, trong khi buồng trứng của phụ nữ luôn đứng trước nguy cơ suy giảm theo thời gian cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến khó có con. Trữ trứng trước khi điều trị các bệnh lý ác tính giúp nhiều phụ nữ kịp thời bảo tồn chức năng sinh sản trong tương lai", bác sĩ Tú cho biết.
Thủy hiện tiếp tục được điều trị và theo dõi tại khoa Ung bướu, dùng thuốc ức chế estrogen ở nữ hàng ngày trong vòng 5 năm liên tục. "Tôi an tâm vì đã có ‘của để dành’. Sau thời gian điều trị, ở tuổi 35, tôi vẫn có thể có con bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)", Thủy nói.
Trước đó, tháng 4/2023, chị Thanh Huyền (35 tuổi, ngụ TP HCM) cũng đến IVFTA-HCMC để trữ phôi trước khi bước vào quá trình điều trị ung thư vú. Chị được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn 2 sau khi phát hiện một u cục ở vú phải. Kết hôn 4 năm vẫn chưa có tin vui, nay thời gian điều trị kéo dài khiến chị Huyền phải tiếp tục trì hoãn việc mang thai.
Hai vợ chồng quyết định trữ phôi để bảo tồn khả năng có con. Chị Huyền được kích thích buồng trứng, thu được 10 noãn trưởng thành, thụ tinh với tinh trùng tươi của người chồng tạo được 7 phôi chất lượng tốt để trữ lạnh. Dự kiến, sau thời gian điều trị ung thư, vợ chồng chị sẽ rã đông phôi để thực hiện IVF.
Theo thống kê từ Tổ chức Ung thư Toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020, hàng năm trên thế giới có hơn 2,2 triệu người được chẩn đoán ung thư vú và khoảng 680.000 người tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới với hơn 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong. Ung thư vú có thể chữa trị khỏi và phụ nữ vẫn có khả năng sinh sản nếu phát hiện bệnh và điều trị sớm.
Ghi nhận tại IVFTA-HCMC, trong năm 2022, các bác sĩ đã tiếp nhận trữ trứng bảo tồn chức năng sinh sản cho nhiều phụ nữ mắc ung thư có tuổi đời 20-35. Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng chưa có con nhưng vợ hoặc chồng phát hiện mắc ung thư cũng được trữ phôi thành công.
Các bác sĩ khuyến cáo, những phụ nữ tiền căn gia đình có người mắc ung thư vú (mẹ, chị gái, em gái), có tiền sử chiếu xạ vùng ngực, hành kinh sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), trước đó từng mắc bệnh ung thư (buồng trứng, cổ tử cung, nội mạc tử cung...), béo phì, hút thuốc lá... nên khám tầm soát ung thư vú mỗi 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện bệnh nếu có và điều trị sớm.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc ung thư vú được tư vấn trữ noãn trước khi tiến hành các phương pháp điều trị như ức chế hormone, hóa trị, xạ trị. Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân được tái tạo vú và có thể thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con.
Hoài Thương
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.