Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM (IVFTA-HCMC), cho biết trước đây, việc trữ đông trứng thường được áp dụng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn để chuẩn bị thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, trong vòng một thập niên qua, đông lạnh trứng ngày càng phổ biến trên toàn thế giới và tại Việt Nam với nhiều vai trò khác.
Trữ đông trứng được xem là bảo hiểm sinh học cho khả năng sinh sản của người phụ nữ trong tương lai. Nhiều phụ nữ mong muốn tiếp cận phương pháp này để bảo tồn khả năng sinh sản do công việc bận rộn, kết hôn muộn, hoặc muốn theo đuổi sự nghiệp nên trì hoãn việc sinh con.
Thời điểm "vàng" đông lạnh trứng
Theo các nghiên cứu, số lượng và chất lượng trứng của chị em sau tuổi 35 sẽ giảm dần, do đó, trữ trứng nên được thực hiện trước tuổi này.
Kỹ thuật đông lạnh trứng thường được chỉ định cho những trường hợp như: phụ nữ có một số vấn đề về sức khỏe sinh sản (các bệnh lý ung thư cần hoá trị, xạ trị; các bệnh lý phải phẫu thuật can thiệp lên buồng trứng, ung thư buồng trứng...); phụ nữ giảm dự trữ buồng trứng và cần gom trứng nhiều lần đến khi có nhu cầu sử dụng; muốn chủ động trữ trứng vì nhu cầu xã hội, chưa sẵn sàng có con.
Ngoài ra, trong ngày điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, nếu người chồng không lấy được mẫu tinh trùng, trứng cũng sẽ được trữ lại. Chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ sớm nhất để có được các lựa chọn điều trị phù hợp.
Thời gian bảo quản trứng đông lạnh
Việc trữ đông khiến đồng hồ sinh học của trứng dừng lại ở thời điểm lấy trứng. Trứng có thể được trữ lạnh ở thời gian dài và không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sau khi rã đông. Tuy nhiên, chị em nên cân nhắc thời điểm mang thai, không nên để quá lớn tuổi vì có thể phát sinh những vấn đề sức khỏe khác trong thai kỳ cũng như thời gian dành cho con cái.
Khi muốn sử dụng trứng đông lạnh, trứng cần trải qua quá trình rã đông, thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi và cấy vào tử cung của phụ nữ.
Quy trình đông lạnh trứng
Đối với những người đang cân nhắc việc đông lạnh trứng, bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú cho biết việc nhận thức được quy trình rất quan trọng.
Hiện có hai phương pháp được áp dụng trong trữ đông trứng là đông lạnh chậm và kỹ thuật thủy tinh hóa. Kỹ thuật thủy tinh hóa trứng bằng phương pháp Cryotop tại IVFTA-HCMC là phương pháp hiện đại nhất, giúp tăng tỷ lệ thành công trong việc trữ lạnh trứng so với phương pháp thường quy đông lạnh chậm trước đây.
Giai đoạn đầu tiên của quy trình, phụ nữ sẽ được tiêm hormone để kích thích sự phát triển của nhiều nang trứng ở hai bên buồng trứng thay vì chỉ một nang trứng mỗi tháng theo sinh lý tự nhiên. Thông thường, thời gian sử dụng thuốc kích thích buồng trứng kéo dài từ 10 đến 12 ngày, chị em cần đến gặp bác sĩ khoảng 2-3 lần để siêu âm và làm xét nghiệm máu đánh giá sự phát triển của các nang trứng.
Sau khi được kích thích buồng trứng và chọc hút trứng, trứng sẽ được chuyển vào phòng labo để chuyên viên phôi học đánh giá và đông lạnh nhanh, và sau đó thường được đặt vào bình chứa nitơ lỏng. Trứng được bảo quản ở nhiệt độ rất lạnh, khoảng -196 độ C.
Khi muốn sử dụng, trứng sẽ được rã đông và kết hợp với tinh trùng để tạo phôi. Trứng thụ tinh sẽ được nuôi cấy trong môi trường thích hợp từ 3 đến 6 ngày, sau đó, phôi sẽ được đánh giá và lựa chọn để đặt vào tử cung của người phụ nữ.
Tỷ lệ thụ thai thành công
Tỷ lệ thành công phần lớn phụ thuộc vào độ tuổi của người phụ nữ khi trữ trứng. Số lượng và chất lượng trứng tại thời điểm trữ đông là yếu tố quyết định đến số lượng và chất lượng phôi tạo ra sau đó.
Giống như khi sử dụng trứng tươi, không phải tất cả trứng đều có thể thụ tinh với tinh trùng và không phải tất cả trứng được thụ tinh tạo thành phôi khỏe mạnh và không phải phôi nào cũng làm tổ thành công. Tỷ lệ thành công của những người dưới 35 tuổi cao hơn những người trên 35 tuổi và giảm nhanh sau 40 tuổi. Dữ liệu tại IVFTA-HCMC cho thấy cần ít nhất 7 trứng trưởng thành dù trứng tươi hay trữ để tạo được ít nhất một phôi ngày 5 loại tốt.
Chi phí đông lạnh trứng
Một chu kỳ trữ trứng tính từ đầu cho đến khi chọc hút trứng có chi phí khoảng 50 triệu đồng hoặc thấp hơn, tùy theo phác đồ kích thích buồng trứng mà bác sĩ sử dụng. Ngoài ra, bệnh nhân còn chi trả một khoản phí cho việc trữ trứng hàng năm.
Hải My