Anh Hiệp cảm thấy đắng miệng nhiều ngày, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả chụp cắt lớp vi tính bụng cho thấy khối u kích thước 2,1x3x2,7 cm ở tâm vị (vị trí ở cuối thực quản và đầu dạ dày) chưa xâm lấn mô xung quanh, chưa xuất hiện hạch.
Ngày 27/8, BS.CKII Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết anh Hiệp bị đắng miệng là do axit trào ngược lên dạ dày - thực quản. Tình trạng này còn gây nóng rát vùng cổ, tạo mùi hôi ở khoang miệng. Anh còn bị viêm dạ dày. Hơn nữa, khối u nằm dưới lớp niêm mạc tâm vị, ở mặt sau dạ dày nên không thể sinh thiết xác định bản chất u. U lại nằm ở vị trí khuất nên không thể can thiệp trong lúc nội soi. Tuy nhiên, người bệnh cần được phẫu thuật lấy u càng sớm càng tốt, tránh u phát triển bít lòng thực quản. Trường hợp u ác tính, các tế bào ung thư có thể xâm lấn sang các cơ quan lân cận.
Trước khi phẫu thuật, anh Hiệp cần điều trị viêm và trào ngược dạ dày - thực quản bằng thuốc. Theo bác sĩ Thái, trở ngại lớn nhất của ca phẫu thuật là vị trí của khối u nằm sát thực quản, để lấy trọn khối u, phải cắt đoạn dưới thực quản và phần trên dạ dày. Đoạn cuối thực quản nằm trong ngực, nếu di động thực quản không cẩn thận, người bệnh có nguy cơ tổn thương màng phổi, phổi và màng tim. Miệng nối thực quản với dạ dày cần hạn chế tối đa nguy cơ xì rò, vì có thể gây nhiễm trùng trong bụng và lồng ngực. Do đó, quá trình phẫu thuật đòi hỏi êkíp phải thận trọng.
Bác sĩ dùng dao siêu âm phẫu tích di động thực quản, cắt ngang thực quản 2 cm phía trên u và ngang dạ dày dưới khối u 3 cm, sau đó nối thực quản - dạ dày.
Hậu phẫu, bệnh nhân có thể ăn thức ăn lỏng chuyển dần sang đặc, xuất viện sau 5 ngày, sức khỏe ổn định. Kết quả giải phẫu ghi nhận u có nguy cơ hóa ác thấp nên người bệnh không cần điều trị thêm.
U dưới niêm đường tiêu hóa là những khối u xuất phát từ lớp cơ - niêm, lớp dưới niêm hay lớp cơ của thành ống tiêu hóa. U có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của ống tiêu hóa, thường gặp nhất là ở dạ dày. Thông thường, khối u dưới 2 cm không có triệu chứng và chỉ theo dõi. U dưới niêm có thể gây xuất huyết, tắc nghẽn đường tiêu hóa hay di căn tùy vào kích thước, vị trí và bản chất của khối u.
U mô đệm đường tiêu hóa (GIST) là bệnh lý không liên quan đến lối sống, chế độ ăn uống, nên không thể phòng ngừa. Bác sĩ Thái khuyến cáo người bệnh khám sức khỏe định kỳ, khám ngay khi có triệu chứng bất thường để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời, phòng biến chứng nguy hiểm.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |