Bệnh Alzheimer là tình trạng thoái hóa thần kinh do các tế bào não chết đi theo thời gian. Theo các nhà khoa học Mỹ, 40% nguy cơ mắc Alzheimer có liên quan đến gene APOE ε4, còn lại 60% người mắc bệnh này có liên quan đến gene khác.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội Alzheimer Mỹ cuối tháng 6 cho thấy, phụ nữ có nguy cơ bị Alzheimer cao là do có liên quan đến một gene mới vừa được phát hiện. Các nhà khoa học Mỹ đã giải trình tự bộ gene của hơn 10.300 phụ nữ không có gene APOE ε4 (trong đó khoảng 3.400 người mắc Alzheimer), phát hiện một gene có tên MGMT có liên quan nguy cơ mắc bệnh này ở phụ nữ.
Cụ thể, biểu hiện gene MGMT góp phần vào sự phát triển của các protein amyloid và tau độc hại làm tăng sự phát triển căn bệnh này ở chị em. Amyloid và tau là hai protein đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của tế bào não.
Theo Hiệp hội Alzheimer Mỹ, phụ nữ có nguy cơ bị Alzheimer gần gấp đôi nam giới là do thường sống thọ hơn đàn ông. Tiến sĩ Rosa Sancho (nghiên cứu Alzheimer tại Anh, không thuộc nhóm nghiên cứu trên) cũng cho biết, phụ nữ trên 60 tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp đôi khả năng phát triển ung thư vú.
Bệnh Alzheimer là một dạng bệnh tiến triển, các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Bệnh từ trạng thái suy giảm nhẹ đến trung bình, cuối cùng là suy giảm nhận thức nghiêm trọng. Mất trí nhớ là đặc điểm chính và là một trong những biểu hiện đầu tiên của bệnh. Người bệnh mới đầu sẽ mất nhiều thời gian hơn bình thường để thực hiện công việc hàng ngày, sau đó mất trí nhớ nhiều hơn và nặng là không có khả năng giao tiếp, phụ thuộc vào người chăm sóc. Các triệu chứng xuất hiện dần trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Tuy nhiên, nếu triệu chứng phát triển trong vài giờ hoặc nhiều ngày, người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay, vì rất có thể xảy ra một cơn đột quỵ.
Các triệu chứng của bệnh Alzheimer như mất trí nhớ (khó khăn trong tiếp nhận và ghi nhớ thông tin mới, lặp đi lặp lại câu hỏi, quên, làm mất đồ đạc, đi lang thang, đi lạc), suy giảm nhận thức, khả năng nhận dạng kém không liên quan vấn đề thị lực. Người bệnh thường gặp khó khăn trong giữ thăng bằng, khó xác định vị trí để đồ đạc, khó nói và viết. Họ cũng có thể thay đổi tính tình hoặc hành vi như trở nên khó chịu, tức giận hoặc lo lắng thường xuyên hơn trước, mất hứng thú và sự đồng cảm. Có những hành vi thiếu kiểm soát cũng là biểu hiện cho thấy một người mắc Alzheimer.
Theo các nhà khoa học Mỹ, người trên 65 tuổi có nguy cơ cao hơn, trong khi chỉ 10% người dưới 65 tuổi mắc bệnh này. Một số gene di truyền có thể gây ra bệnh. Khi do di truyền, bệnh được gọi là Alzheimer gia đình. Ngoài ra, có các yếu tố khác làm tăng nguy cơ như chấn thương sọ não nghiêm trọng hoặc tiếp xúc lâu dài với kim loại độc hại, thuốc trừ sâu và hóa chất công nghiệp.
Theo Medical News Today, hiện chưa thể chữa khỏi bệnh Alzheimer. Các phương pháp điều trị là làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bên cạnh dùng thuốc, bác sĩ sẽ có các thủ thuật điều trị những thay đổi về cảm xúc và hành vi như cáu kỉnh, lo lắng, trầm cảm, khó ngủ và những khó khăn khác. Người chăm sóc sẽ được hướng dẫn cách đối phó với những thay đổi này của người bệnh.
Một số phương pháp có thể phòng ngừa được khuyến nghị như giữ cho não thường xuyên hoạt động, tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn uống đa dạng và lành mạnh. Quản lý nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và cao huyết áp cũng là cách nhằm ngăn ngừa Alzheimer.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)