Chị Thảo (ngụ Bình Dương) mệt, khó thở, tim đập nhanh, đánh trống ngực. Bác sĩ một phòng khám chẩn đoán hở van tim nặng. Chị uống thuốc 4 tháng không bớt.
Chị nghĩ bệnh do di truyền vì chị gái cũng chuẩn bị phẫu thuật tim. Lo lắng vì chưa có số tiền để mổ, kèm sút cân nhiều, từ 55 kg xuống 46 kg trong ba tháng, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, cuối tháng 6. Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, nghi ngờ triệu chứng của chị Thảo do bệnh cường giáp gây ra.
Kết quả siêu âm cho thấy người bệnh hở van hai lá và van ba lá nhẹ, hở van động mạch chủ nhẹ, không cần điều trị. Xét nghiệm nồng độ hormone cường giáp như TSH giảm khoảng 27-420 lần so với bình thường, hormone tuyến giáp FT4 tăng gần gấp ba lần, hormone FT3 cao hơn 3-5 lần.
Chị Thảo được điều trị nội khoa với thuốc kháng giáp (giúp tuyến giáp giảm tiết hormone), thuốc ổn định nhịp tim. Tái khám sau một tháng, chỉ số hormone tuyến giáp của người bệnh về mức ổn định, hết các triệu chứng. Bác sĩ điều chỉnh thuốc, dặn khám định kỳ.
Bác sĩ Quỳnh Trâm cho biết bệnh cường giáp (thừa hormone tuyến giáp) xảy ra do nhiều nguyên nhân như bệnh basedow, nhân tuyến giáp hoạt động quá mức, viêm tuyến giáp, dùng quá nhiều thuốc hormone tuyến giáp.
Bệnh có triệu chứng như lo lắng, run tay, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, tăng tiết mồ hôi, sụt cân, mệt mỏi liên tục, đi phân lỏng, yếu cơ. Nếu cường giáp không được điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng như rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim sung huyết, xương yếu dễ gãy.
Hormone tuyến giáp tăng quá cao làm tăng tốc chức năng của một số cơ quan và làm việc nhiều hơn bình thường. Tuyến giáp hoạt động quá mức tăng hoạt động của chức năng tim, tim đập nhanh. Theo thời gian, cường giáp có thể khiến tim làm việc quá sức, dẫn đến suy tim.
Có ba phương pháp điều trị cường giáp gồm nội khoa (dùng thuốc), phóng xạ (uống iod có gắn chất phóng xạ) và phẫu thuật tuyến giáp (khi điều trị hai phương pháp trên không hiệu quả). Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ tránh biến chứng. Người có triệu chứng cường giáp cần đi khám để được chẩn đoán phù hợp.
Đinh Tiên
Độc giả có thể đặt câu hỏi về các bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để được bác sĩ giải đáp.