Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ, người bị ngưng thở khi ngủ có thể kéo dài 10 giây trở lên, lặp lại suốt đêm, khoảng từ 30 lần trong một giờ. Tình trạng này làm rối loạn giấc ngủ và giảm nồng độ oxy trong máu, tăng nguy cơ mắc các bệnh về trí nhớ, lo lắng... Bệnh phổ biến ở người lớn tuổi, nặng cân và có cổ lớn.
Loại ngưng thở khi ngủ phổ biến nhất là ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Nguyên nhân là do các cơ cổ họng và mô mềm ở phía sau cổ họng (lưỡi, amidan và adenoids - mô cao nằm phía sau mũi) thư giãn quá nhiều khi ngủ, gây tắc nghẽn lặp đi lặp lại của đường hô hấp trên.
Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thường ngáy to. Tuy nhiên, không phải ai ngủ ngáy cũng bị ngưng thở khi ngủ và ngược lại. Ngưng thở khi ngủ trung ương xảy ra do não không gửi tín hiệu đúng cách đến các cơ kiểm soát hơi thở. Bệnh thường xảy ra ở người mắc các bệnh như nhiễm trùng não, đột quỵ, suy tim. Loại ngưng thở khi ngủ hỗn hợp là sự kết hợp của hai loại trên và các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân.
Dưới đây là một số gợi ý để cải tình tình trạng ngưng thở khi ngủ.
Trao đổi với bác sĩ: Bạn nên thăm khám bác sĩ nếu có các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, tiểu đường, tăng huyết áp, thừa cân, ngủ ngáy..; gia đình có người gặp tình trạng này. Thăm khám bác sĩ giúp bạn có phương pháp giảm nguy cơ và phát hiện bệnh càng sớm càng tốt.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn nên ăn nhiều loại rau củ quả tốt cho tim. Điều này không chỉ làm giảm nguy cơ ngưng thở khi ngủ mà còn duy trì cân nặng khỏe mạnh và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Luyện tập thể dục đều đặn: Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ ngưng thở khi ngủ, nhất là người thừa cân, béo phì. Các nhà nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, Mỹ, đã theo dõi hơn 137.000 người tuổi trung niên trở lên trong 18 năm. Kết quả công bố năm 2021 cho thấy tập thể dục thường xuyên làm giảm nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn khoảng 10-31%, bất kể chỉ số khối cơ thể (BMI).
Tập thể dục làm giảm tích tụ chất lỏng vào ban ngày ở cẳng chân. Chất lỏng này có thể di chuyển lên trên cơ thể vào ban đêm khi nằm xuống. Hoạt động thể chất cũng làm giảm kháng insulin nên có thể giảm nguy cơ ngưng thở khi ngủ.
Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ và các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim mạch, ung thư.
Tránh chất ức chế thần kinh trung ương: Cắt giảm rượu và tránh các loại thuốc an thần, thuốc ngủ, chất kích thích khác có thể thư giãn cơ bắp, tránh gây ức chế các tín hiệu của hệ thần kinh trung ương. Điều này làm giảm khả năng ngưng thở khi ngủ.
Nằm nghiêng khi ngủ: Người bệnh thử nằm nghiêng để lưỡi và vòm miệng ít có khả năng xẹp xuống đường thở làm cản trở luồng oxy.
Mai Cat (Theo Everyday Health)