(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Cách phân hạng giấy phép lái xe mới không hợp lý trong khi cách cũ chia thành hai hệ thống rõ ràng: xe chở hàng riêng và xe chở người riêng.
Xe buýt chở 100 người thì thân xe rất dài, dài không kém đầu kéo và rơ moóc, nhưng trọng lượng nhẹ hơn hẳn, tức là lực quán tính yếu hơn. Khi xe buýt thắng gấp, tài xế sẽ liên tục nhấp nhả phanh để giảm tốc từ từ bằng không sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hành khách. Ngược lại, tài xe tải thường đạp lút phanh và đánh lái, bẻ cabin sang một bên, nếu không hàng hóa phía sau sẽ đè sập cabin, giết chết tài xế. Người chuyên lái buýt nhảy qua lái xe tải thì coi như "mua sẵn một vé lên thiên đường". Ngược lại, tài xế chuyên lái tải mà nhảy sang lái buýt thì hành khách mỗi người xác định sẵn tâm lý mất mạng như chơi.
Bất kể là xe buýt hay xe tải, tiêu chí để phân hạng là chiều dài thân xe, chứ không phải trọng tải hay số chỗ ngồi. Xe có chiều dài càng dài càng khó quan sát hai bên và phía sau. Nên bỏ trọng tải hay số chỗ ngồi đi, thay bằng chiều dài thân xe thì hợp lý hơn.
>> Rắc rối khi phân chia 17 hạng giấy phép lái xe
Về phần xe con, tôi không hiểu việc ghi chữ AT (hộp số tự động) để làm gì? Hộp số có ba loại: MT (phải đạp côn mới sang số được), AT (không có chân côn, khi sang số côn tự động ngắt) và CVT (hộp số vô cấp không có số khỏi cần sang số). Để chữ AT như vậy, chắc hẳn là nói thi lấy bằng dùng xe hộp số AT để thi? Tôi đề nghị, ai có xe nào thì mang xe ấy đến thi, chưa có xe thì dùng xe của đơn vị sát hạch để thi. Xe của đơn vị sát hạch dùng để thi phải là hộp số MT – tức là khó nhất. Cái khó nhất qua được thì chẳng có lý do gì cái dễ hơn không qua được. Xe con là xe riêng, người ta chạy người ta quen, dùng chính cái xe ấy để thi mới hợp lý.
Về phần xe công nông thì không cần phải có bằng, hoặc lấy bằng hạng thấp nhất vì tốc độ của nó rất chậm. Tốc độ chỉ tương đương với xe đạp thì lấy bằng để làm gì? Loại xe này di chuyển rất hao nhiên liệu nên người ta hạn chế di chuyển xa, chỉ loanh quanh trong một khu vực có bán kính nhất định. Phải có bằng C mới được lái là quá nặng.
Với xe gắn máy phân khối lớn (lớn hơn 150 phân khối), nên cấp bằng chung với xe con bốn chỗ. Để hạn mức lớn hơn 125 phân khối là làm khó một số hãng xe. Ở nước ngoài, lấy bằng lái xe gắn máy khó hơn xe con rất nhiều, đủ thứ điều kiện. Ở ta thì ngược lại, nên phần lớn tai nạn toàn xe gắn máy.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.