Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Trong đó, dự luật bổ sung nhiều quy định mới, đặc biệt là quy tắc sử dụng đèn của các phương tiện tham gia giao thông.
Cụ thể, khoản 3 Điều 27 của dự luật giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. Như vậy, người lái xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn được trang bị theo thiết kế của xe.
Tuy nhiên, đề xuất này chủ yếu dựa theo tiêu chuẩn của các nước châu Âu - nơi mà ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện. Trong khi đó, Việt Nam lại là một nước có môi trường khí hậu gió mùa nhiệt đới, ban ngày nắng nóng, điều kiện ánh sáng, tầm nhìn tốt, nay lại bật đèn xe cả ngày khiến nhiệt độ môi trường tăng thêm nữa thì người đi đường làm sao chịu nổi?
Các nước phương Tây có khí hậu khác xa Việt Nam, môi trường, nhiệt độ cũng hoàn toàn đối lập. Việc áp dụng các quy định ở phương Tây cho Việt Nam là không phù hợp chút nào. Ở nước ra, chỉ nên bật đèn tùy điều kiện thời tiết,vùng miền, tùy mùa sao cho phù hợp, luật Giao thông đường bỗ cũng đã quy định rõ. Còn việc xảy ra tai nạn giao thông, cần phải nghiên cứu xem nguyên nhân là do không bật đèn cả ngày hay ý thức chấp hành luật của người dân chưa tốt? Nếu không tìm đúng nguyên nhân để điều chỉnh mà chỉ đề xuất thêm các điều luật mới trong giai đoạn này, sẽ chỉ làm tình hình thêm rối ren.
>> Bắt buộc lắp camera lùi có thay thế được kỹ năng lái ôtô?
Nếu bật đèn chỉ để phương tiện khác tránh né thì theo tôi, nên đề xuất lắp trước và sau xe thậm chí cả bên hông những loại đèn chớp nháy xanh đỏ, có khi còn tác dụng hơn nhiều. Hãy đề xuất những quy định hợp với đời sống, văn hóa, xã hội, kinh tế và thực trạng đất nước để người dân được hưởng lợi từ chính sách chứ không nên đi cóp nhặt ở một quốc gia nào rồi về bắt chước theo. Cái gì đúng, hay thì chúng ta có thể học hỏi, làm theo sau khi có sự điều chỉnh hợp lý, còn cái không có tác dụng gì thì tốt nhất không nên thay đổi.
Những quy định - đề xuất không sát thực tế, chỉ sao chép nguyên mẫu của nước khác rồi áp dụng vào trong nước sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ càng làm tăng thêm bất cập. Chỉ cần người làm luật rời xe bốn bánh và tự tay cầm lái chiếc xe máy đi làm trong một tuần, sẽ thấy hệ lụy của việc ban hành một "công thức sao chép". Chúng ta đã tiêu tốn quá nhiều nguyên liệu, ô nhiễm tiếng ồn, gia tăng nhiệt độ, giờ lại thêm "ô nhiễm ánh sáng", thật không hiểu nổi!
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.