(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Ở nước ngoài, người ta vẫn đi xe máy, đặc biệt là các nước xứ nóng ở châu Á. Trong khi đó, chúng ta muốn bắt chước các nước xứ lạnh ở Âu-Mỹ, nơi mà nếu bạn chạy xe máy, chưa kịp đến nơi bạn đã bị "đông cứng". Nếu bạn đi du lịch qua các xứ ven Địa Trung Hải (xứ Catalan của Tây Ban Nha, miền nam nước Đức, nước Ý, Hy Lạp...), bạn sẽ thấy xe máy chạy đầy đường.
Xe máy không xấu xí chỉ có người đi xe máy xấu xí. Người ta không có "văn hóa vỉa hè" như mình nên chạy xe máy, xe hơi hay xe buýt như nhau – đi đến nơi về đến chốn không có tạt ngang tạt ngược gì hết. Họ không cho phép để xe máy trên vỉa hè, không cho phép bán hàng trên vỉa hè. Người đi xe máy cũng như đi xe hơi, chỉ có thể tạt vào nơi nào có bãi đậu xe – thường là những cửa hàng, siêu thị, nhà hàng lớn. Hàng rong của họ thường là bán thức ăn nhanh dạng như quà vặt, bán có chỗ có nơi, có số điện thoại để khách gọi mang đến tận nhà (bạn phải trả tiền giao hàng). Nếu bạn đậu xe (bất kể xe máy hay xe hơi) gần đó để ghé vào hàng rong, cảnh sát sẽ đến kéo xe bạn đi. Dừng xe ngồi trên xe lấy thức ăn (có người ra xe giao cho bạn) xong rồi đi thì không sao.
Xe máy của họ chia làm hai loại: xe có động cơ phân khối nhỏ chỉ chạy trong nội thị, cấm ra khỏi thành phố; xe máy có động cơ phân khối lớn, cấm chạy trong nội thị, được phép lên xa lộ, cao tốc chạy chung với xe hơi. Tiếp theo, không có chuyện hai xe (bất kể xe hơi hay xe máy) được chạy song song với nhau, dù chạy ở hai làn cùng chiều. Chạy song song như vậy, về mặt xã hội là bạn đang khiêu khích người khác, về mặt pháp luật là bạn khiêu khích cảnh sát. Chạy song song như vậy người phía sau muốn vượt lên cũng không có chỗ để vượt, dẫn đến ùn tắc.
>> 'Cấm xe máy là lối tư duy của người giàu'
Ở nước ngoài, khoảng cách an toàn không chỉ có trước – sau mà còn cả hai bên nữa. Đậu xe dừng đèn đỏ, hai người xe máy có thể đậu song song với khoảng cách nhất định trên cùng một làn nhưng nếu người thứ ba chen vào sẽ bị cảnh sát thổi còi. Khoảng cách giữa hai xe hơi đậu song song có thể đủ cho một xe máy chen qua, nhưng nếu làm vậy, bạn cũng sẽ bị thổi phạt, vì không đủ khoảng cách an toàn hai bên. Tóm lại, người đi xe máy phải đi theo cách của ngườiđi xe hơi chứ không phải tùy tiện muốn chạy thế nào thì chạy.
Cái cách chạy xe máy của người Việt đa phần là tư duy của người đi xe đạp. Ở nước ngoài, mức phạt với xe máy chỉ có bằng hoặc cao hơn xe hơi, không có chuyện thấp hơn xe hơi. Nước ngoài, ở mọi phương diện, họ không cấm bất cứ thứ gì trừ những thứ cấm được quy định trong luật. Thay vào đó, họ quy định rõ ràng, cái này được dùng ở chỗ nào, ngoài chỗ này ra bạn dùng ở chỗ khác là bạn phạm luật. Chúng ta có thể quản lý xe máy như vậy thay vì cấm. Việc cấm xe máy là tư duy cực đoan như vậy, lười suy nghĩ, sáng tạo vì cái chung.
Chúng ta cũng nên giảm các loại thuế phí để giá xe "trở về giá trị thật". Song song với việc đó cũng nên rà soát lại các loại phí phạt vì còn thấp xa "giá trị thật". Người ta phạt có thể bằng giá trị cả chiếc xe máy, hay 1/3 chiếc xe hơi. Phí phạt của ta chỉ đủ để "gãi ngứa" không có tính răn đe. Lấy lý do nghèo không có tiền nộp phạt? Không sao cả, bạn có thể vào trại dài hạn để suy nghĩ xem nghèo thì có nên chạy xe phạm luật không? Luật của ta còn lỏng lẻo, chẳng trách xe máy chạy như xe đạp, xe hơi chạy như xe máy, loạn xạ hết.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.