Tiếp tục câu chuyện về đề xuất xe máy phải bật đèn ban ngày, độc giả Lâm chia sẻ quan điểm cho rằng không nên tạo thêm rắc rối bằng những ý tưởng theo kiểu "vẽ rắn thêm chân":
"Đèn ban ngày ở các xe có động cơ thường là đèn đuôi có nắp chụp màu đỏ. Phía dưới đèn đuôi là đèn phanh, nhấp nháy khi ta đạp phanh. Người ta thường bật đèn đuôi cả ngày lẫn đêm. Những đèn khác thì tùy theo hoàn cảnh: đèn vàng bật khi mưa to hoặc sương mù dày đặc; đèn pha bật khi vào cao tốc chạy tốc độ cao; đèn cốt bật khi ở nơi đông người chạy chậm. Pha cốt thường chỉ dùng vào ban đêm. Đèn xi nhan để báo hiệu xe chuẩn bị rẽ phải hoặc trái, là đèn dùng cho cả ngày lẫn đêm cùng với đèn phanh. Hầu hết những cái đèn này đều có quy định tình huống sử dụng trong luật giao thông. Cái nào chưa quy định thì nên quy định, đừng "vẽ rắn thêm chân".
Tùy theo hoàn cảnh khí hậu mà xe được bán ra ở nơi nào thường có thay đổi chút xíu về thiết kế so với chính nó được bán ở nơi khác. Ví dụ, cái xe được bán ở nơi có khí hậu khô nóng, nhiều bụi như Trung Đông sẽ được thiết kế kỹ thuật khác một chút với chính nó được bán ở xứ lạnh hay nơi ẩm ướt. Ví dụ cụ thể, xe dùng động cơ diesel có bugi sấy để hâm nóng buồng đốt. Với điều kiện khí hậu Việt Nam, cái bugi ấy chỉ cần 5 giây là đủ để hâm nóng buồng đốt mà không tốn nhiều điện. Nhưng với khí hậu lạnh giá thì, hoặc là thời gian hâm nóng lâu hơn, hoặc là công suất sử dụng điện của bugi cao hơn.
Hiện tại, có một số ít người nhập xe trái vùng về Việt Nam với những cái đèn tự động bật sáng khi khởi động động cơ bất kể ngày hay đêm. Chỉ vì vài xe ít ỏi này mà buộc cả đám đông phải bắt chước giống như vậy là không ổn".
>> 'Phạt đèn pha chói mắt quan trọng hơn yêu cầu bật đèn ban ngày'
Đồng quan điểm, bạn đọc Dung Le Ngoc còn chỉ ra những bất cập, thiệt hại liên quan đến thay đổi thiết kế xe nếu quy định mới được áp dụng:
Theo các hãng xe tính toán, xe ở Việt Nam đa phần chạy vào ban ngày, vì thế cuộn điện được thiết kế khá nhỏ để nạp vừa đủ cho bình. Nếu chạy đêm liên tục thường bị thiếu nạp, có thể hết bình, gặp xe tay ga thì coi chừng dắt bộ. Xe máy ở châu Âu vì phải mở đèn liên tục nên cuộn phát điện to hơn cho dòng điện lớn hơn khoảng 100W và mạch tiết chế dòng cũng khác.
Xe nhập từ nước ngoài về Vệt Nam không có công tắc tắt đèn, thợ Việt phải gắn thêm công tắc, vì thế làm cho bình mau hỏng (trung bình dưới 6 tháng) vì cuộn phát điện xe nhập thường to, cho công suất lớn nạp vào bình quá định mức khi xe tắt đèn, do đó phải thay lại cuộn phát điện nếu không muốn bình bị hỏng liên tục.
Nếu nay các xe phải mở đèn liên tục thì phải thay lại toàn bộ cuộn phát điện mới đủ sức nạp cho bình (tăng công suất lên từ 80-100W), thay cả mạch tiết chế và dây dẫn tương ứng kẻo cháy xe do quá tải. Sửa chữa một chiếc xe như thế tốn vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, thì tổng thiệt hại cho mấy triệu xe ở Việt Nam sẽ là con số không nhỏ".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lê Phạm tổng hợp