Chọn thực phẩm có chứa chất béo lành mạnh như chất béo không bão hòa, thay thế cho béo bão hòa và chất béo chuyển hóa sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Chế độ ăn uống với nhiều chất béo lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và chức năng của não bộ. Phần lớn thành phần của ô liu là chất béo lành mạnh, 74% trong số là axit oleic. Axit oleic là một chất béo không bão hòa đơn có tác dụng giảm viêm.
Ô liu và dầu ô liu chứa hợp chất phenolic mà các nghiên cứu nhận thấy có thể giúp phòng chống lại các bệnh liên quan đến tuổi tác như Alzheimer hoặc chứng mất trí nhớ. Theo một bài báo đăng trên tờ Psychology Today, những người ăn nhiều chất béo không bão hòa đơn thường có mức độ chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine cao hơn. Chất này cần cho các chức năng như duy trì trí nhớ và học tập. Các hợp chất có trong ô liu còn có đặc tính chống viêm, có lợi trong việc giảm nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe mạn tính liên quan đến tuổi tác.
Các nhà nghiên cứu Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan và một số đơn vị nhận thấy, tiêu thụ dầu ô liu hơn 0,5 muỗng canh (7 g) mỗi ngày giúp giảm 29% nguy cơ tử vong sớm do thoái hóa thần kinh. Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 90.000 người trong 28 năm.
Dầu ô liu và các loại hạt trong chế độ ăn Địa Trung Hải dựa trên thực vật có khả năng duy trì chức năng nhận thức ở người lớn tuổi. Đây là kết quả nghiêu cứu của Tây Ban Nha trên gần 500 người dưới 67 tuổi, được công bố trên JAMA Internal Medicine năm 2015.
Hàm lượng chất béo không bão hòa đơn cao trong ô liu còn tốt cho sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu của Đại học Vienna (Áo) năm 2014 trên 841.210 người, công bố trên Lipids in Health and Disease, cho thấy, chất béo không bão hòa đơn giúp giảm nguy cơ tử vong, đột quỵ và bệnh tim mạch ở những người tham gia nghiên cứu. Chất béo không bão hòa đơn cũng giảm "cholesterol xấu" (LDL) và tăng "cholesterol tốt" (HDL), góp phần giữ cho trái tim khỏe mạnh.
Ô liu rất giàu chất chống oxy hóa, bao gồm vitamin E và các hợp chất phenolic. Những chất chống oxy hóa này còn góp phần ngăn chặn tổn thương tế bào gây ra bởi các gốc tự do. Một cách khác mà ô liu hỗ trợ sức khỏe tế bào là tạo ra các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể.
Ngoài dầu ô liu, quả ô liu còn là món ăn vặt được nhiều người lựa chọn. 100 g ô liu xanh có chứa 145 calo, 15,3 g chất béo, chất béo bão hòa: 2,03 g. Trong khi, 100 g ô liu đen chứa 116 calo, chất béo là 10,9 g, 2,28 g chất béo bão hòa... Các thành phần khác như đường, chất xơ, chất đạm, tinh bột, natri... Ăn 10 quả ô liu xanh hoặc 8 quả ô liu đen tương đương khoảng 4 g chất béo lành mạnh. Mọi người nên lưu ý lượng natri khi ăn loại quả này. Bởi hấp thụ quá nhiều natri có thể dẫn đến huyết áp cao và tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề về thận.
Một khẩu phần ô liu (khoảng 5-6 quả ô liu cỡ trung bình) chứa khoảng 230-250 mg natri. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị tiêu thụ không quá 2.300 mg natri mỗi ngày. Ăn quá nhiều ô liu có thể nạp vào cơ thể một lượng natri đáng kể, nhất là khi ăn thêm các loại thực phẩm giàu natri khác. Loại quả này có hàm lượng calo tương đối cao nên ăn nhiều gây tăng cân. Một khẩu phần ô liu chứa khoảng 35-50 calo, tùy thuộc vào kích cỡ và chủng loại.
85 g ô liu còn chứa 3,2 g chất xơ, phù hợp trong các bữa ăn nhẹ. Ăn đủ chất xơ (khoảng 25 g) mỗi ngày góp phần giúp trái tim khỏe mạnh, cholesterol ở mức tiêu chuẩn, tiêu hóa tốt và kéo dài tuổi thọ.
Kim Uyên (Theo Livestrong)