Sản phụ Nguyễn Thị Oanh (Hà Tĩnh) được phát hiện cùng lúc hai tình trạng nhau tiền đạo và cài răng lược khi thăm khám thai định kỳ ở tuần 25 tại bệnh viện tỉnh. Đây là bệnh lý nguy hiểm trong thai kỳ, nhiều nguy cơ phải cắt bỏ tử cung để đảm bảo tính mạng của mẹ. Tháng 11/2021, chị Oanh tìm đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội với niềm tin đây là bệnh viện có các bác sĩ đầu ngành sản khoa, đồng thời thường hay áp dụng các phương pháp hiện đại để chữa bệnh khó bệnh hiếm, do đó sẽ giúp bảo tồn tử cung để có thêm cơ hội mang thai.
Nguy cơ xuất huyết nặng trong cuộc mổ
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản, cho biết, qua siêu âm phân giải cao, bác sĩ thấy rõ hình ảnh nhau cài răng lược đâm xuyên qua cơ tử cung vào bàng quang. Sản phụ gặp tình trạng nhau cài răng lược thể Percreta hiếm gặp (chỉ chiếm 7% số ca bị nhau cài răng lược). Đây cũng là thể khó điều trị nhất với nguy cơ xuất huyết nặng trong cuộc mổ.
Bác sĩ Hiền Lê chia sẻ thêm, thông thường, khi mổ lấy thai, người mẹ có thể xuất huyết rất nặng gây nguy hiểm tính mạng, bác sĩ sẽ phải truyền máu khẩn cấp và nhanh chóng bắt thai, cắt bỏ tử cung để cầm máu. Tuy nhiên, đồng nghĩa người mẹ vĩnh viễn không thể mang thai. Với trường hợp này, thai phụ mong muốn có thêm cơ hội có con vì còn rất trẻ, do đó, chúng tôi nghĩ đến phương pháp chặn các mạch máu cung cấp cho bánh nhau để ngăn chặn tình trạng xuất huyết ồ ạt.
Sau nhiều giờ êkip hội chẩn cân nhắc và đưa ra quyết định dùng phương pháp chẹn bóng động mạch trong cuộc phẫu thuật mổ lấy thai nhằm hạn chế tối đa chảy máu cho sản phụ. Theo bác sĩ Hiền Lê, đây là một trong những kỹ thuật can thiệp tối thiểu hiện đại nhất hiện nay để cầm máu trong và sau phẫu thuật bắt thai, qua đó, bảo tồn nguyên vẹn tử cung cho người mẹ.
PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp, cho biết: "Các kỹ thuật can thiệp mạch mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, một trong những lợi ích là chữa bệnh và bảo tồn tạng bị bệnh. Cụ thể, với trường hợp của thai phụ Oanh, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, kỹ thuật can thiệp mạch được ứng dụng trong một cuộc mổ lấy thai mắc cùng lúc nhau tiền đạo, cài răng lược".
4 giờ phẫu thuật bảo toàn tử cung cho thai phụ
Ca phẫu thuật được thực hiện trong phòng mổ Hybrid hiện đại, hơn 30 bác sĩ đã cùng tham gia thực hiện ca mổ. PGS.TS.BS Xuân Hiền trực tiếp thực hiện các kỹ thuật chẹn bóng động mạch và hạ vị tử cung nhằm ngăn nguồn máu cung cấp cho bánh nhau. Sau khi kiểm tra bóng chẹn được đặt đúng vị trí, ThS.BS Hiền Lê tiến hành mổ lấy thai và xử lý bánh nhau tiền đạo cài răng lược.
PGS.TS.BS Xuân Hiền cho biết thêm, thực tế khi mổ tình trạng khó khăn hơn rất nhiều, nhau cài răng lược của sản phụ có hệ mạch tăng sinh mạnh, xâm lấn xuyên qua cơ tử cung và tiến tới bàng quang nên vẫn xảy ra tình trạng xuất huyết tử cung. Nhờ sự trợ giúp của cánh tay robot Artis Pheno hiện đại, các bác sĩ nhanh chóng xác định mạch máu và thực hiện thêm kỹ thuật chẹn bóng để ngăn nguy cơ băng huyết ồ ạt có thể phải cắt bỏ tử cung hay nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ. Kỹ thuật được thực hiện đòi hỏi độ chính xác cao giúp giảm thời gian phẫu thuật, giảm nguy cơ nhiễm trùng hay sốc do mất máu.
Khi tình trạng xuất huyết được kiểm soát, các bác sĩ tiếp tục bóc tách và xử lý bánh nhau kết hợp thực hiện kỹ thuật nút mạch giúp cầm máu ngay, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ băng huyết sau phẫu thuật. Sau gần 4 giờ, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công, cầm máu và bảo toàn được tử cung, chị Oanh hoàn toàn có thể tiếp tục mang thai những lần sau.
Bé gái sinh ra nặng 2,6 kg được kiểm tra sức khỏe, tình trạng ổn định. Chị Oanh được theo dõi tại phòng hồi sức tích cực. Kết quả kiểm tra sau một ngày cho thấy thai phụ ổn định, được chuyển về khoa Sản để chăm sóc, theo dõi thêm.
Ngọc An
Theo bác sĩ Hiền Lê: Nhau cài răng lược là bệnh lý nguy hiểm ở bánh nhau, gai nhau xâm lấn vào cơ tử cung và có thể đâm xuyên vào các tạng lân cận (bàng quang, trực tràng...). Khi gặp tình trạng này, người mẹ phải đối diện với nguy cơ băng huyết (trước, trong và sau khi phẫu thuật), đẻ non, nhiễm trùng, phải cắt bỏ tử cung, ảnh hưởng tới tính mạng của mẹ và bé và mất khả năng mang thai lại của sản phụ.
Để sớm phát hiện bất thường và có chỉ định theo dõi, can thiệp phù hợp, sản phụ nên đi khám thai đúng lịch hẹn của bác sĩ. Bác sĩ Hiền Lê nhấn mạnh, việc có được ekip với các chuyên gia đầu ngành về các công nghệ chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch và các thiết bị phẫu thuật, nút mạch hiện đại bậc nhất chính là điều kiện tuyệt vời để các bác sĩ sản khoa có thể thực hiện thành công mổ bắt thai an toàn và bảo tồn được nguyên vẹn tử cung cho người mẹ.