Bệnh nhân Nguyễn Trần Lan (32 tuổi, TP HCM) vừa nhập viện trong tình trạng xuất huyết âm đạo ồ ạt, da xanh, niêm mạc nhợt. Bệnh nhân có tiền sử u xơ tử cung lớn, kích thước khoảng 7-8 cm. Khối u khiến chị Lan bị rong kinh, rong huyết dai dẳng, xuất hiện máu vón cục khi đến kỳ kinh nguyệt, gây thiếu máu và phải truyền máu.
BS.CK2 Thi Văn Gừng (Phó giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết bệnh nhân có nguyện vọng bảo tồn tử cung và không muốn phẫu thuật. Do đó, bác sĩ dùng kỹ thuật can thiệp mạch dưới hệ thống chụp số hóa xóa nền (DSA) để điều trị dứt điểm tình trạng chảy máu và khối u xơ trong tử cung.
Theo bác sĩ Gừng, nguyên lý của nút mạch là làm bít tắc nguồn máu nuôi u, khiến khối u bị "bỏ đói" và teo dần qua thời gian. Khối u nhỏ lại giúp tử cung không còn biến dạng, đồng nghĩa với khả năng mang thai cao hơn. Hình ảnh chụp MRI cho thấy hệ mạch của khối u tăng sinh dày đặc, việc nút mạch tuy khó nhưng sẽ mang lại hiệu quả cao.
"Thông thường, nếu áp dụng can thiệp bằng DSA, chỉ sau hơn 60 phút can thiệp, toàn bộ mạch nuôi khối u sẽ được bít tắc mà không làm ảnh hưởng đến các nhánh mạch lành. Nếu bệnh nhân chọn phương pháp mổ thì nguy cơ cắt tử cung cao, không còn cơ hội mang thai, phải gây mê với nhiều rủi ro và tai biến khi phẫu thuật. Người bệnh sẽ phải nằm viện lâu hơn", bác sĩ Gừng cho biết.
ThS.BS Phan Hoàng Vĩnh Phú (thành viên êkip can thiệp) chia sẻ thêm, trường hợp của chị Lan phức tạp do có tình trạng chảy máu cấp, mạch máu nuôi u ngoằn ngoèo, xoắn vặn khiến cho đường tiếp cận vào u khá khó khăn. Việc xác định đúng mạch máu nuôi khối u xơ tử cung bị cản trở, đòi hỏi bác sĩ phải khéo léo và có nhiều kinh nghiệm. Nếu không sẽ dẫn đến trường hợp nút mạch tại vị trí không mong muốn, bệnh nhân đối mặt với các biến chứng như tổn thương tạng lành, vô kinh...
Trong quá trình thực hiện, chị Lan chỉ cần gây tê vùng can thiệp nên tỉnh táo. Nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu, chị có thể trực tiếp trao đổi với bác sĩ để xử lý kịp thời. Sau 60 phút khối u được xử lý thành công. Dự kiến, chị cần nằm theo dõi một đêm, sáng hôm sau có thể xuất viện.
Không chỉ riêng chị Lan, nhiều ca nút mạch đã được can thiệp, điều trị thành công tại Bệnh viện Tâm Anh. Kỹ thuật được thực hiện trong phòng mổ Hybrid tích hợp các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại.
![Êkip can thiệp thăm bệnh nhân sau khi hồi phục chuẩn bị xuất viện.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/08/04/TA-jpeg-2541-1659615154.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1qwKoPR5ASJOJoNOYOaoOg)
Êkip can thiệp thăm bệnh nhân sau khi hồi phục chuẩn bị xuất viện.
Bác sĩ Gừng chia sẻ thêm, phương pháp nút mạch chọn lọc điều trị u xơ tử cung đã được thực hiện trên thế giới từ những năm 1997. Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ công nhận đây là một trong những phương pháp điều trị u xơ tử cung an toàn và hiệu quả kể từ năm 2008. Tại Việt Nam, phương pháp này đã được thực hiện tại các bệnh viện lớn và cho hiệu quả thành công trên 95%. Với kỹ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu, tử cung được bảo toàn tối đa, tỷ lệ mang thai trở lại ở người phụ nữ sau điều trị rất khả quan ở các nghiên cứu trên thế giới.
U xơ tử cung (u cơ trơn tử cung) là khối u lành tính thường gặp ở phụ nữ. Phụ nữ trên 40 tuổi có nhiều khả năng mắc u xơ tử cung và tỷ lệ này có xu hướng gia tăng theo độ tuổi. Do đó, phụ nữ ở độ tuổi từ 40-50 có u xơ tử cung cần lưu ý, nhất là khi kèm theo các hiện tượng như rong kinh, rong huyết, đau bụng dưới, tiểu buốt, tiểu khó, táo bón, giao hợp khó... thì nên đi khám. Nếu không phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, u xơ tử cung có thể gây biến dạng lòng tử cung.
Tên nhân vật đã thay đổi.
Bình An