Ngày 30/5, TS.BS Cam Ngọc Phượng - Giám đốc Trung tâm Sơ Sinh, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết sau 4 tháng nuôi dưỡng, bé trai nặng 2,9 kg, cai được máy thở, tự bú tốt. Bé có thể xuất viện vào cuối tháng 5.
Bé là con sản phụ Hạ Vy (33 tuổi, Nha Trang, Khánh Hòa). Chị nhập viện BVĐK tỉnh Khánh Hòa (ngày 1/2) trong tình trạng rỉ ối, có cơn gò chuyển dạ dọa sinh cực non ở tuần thai 25. Lúc này, thai nhi chỉ khoảng 700 g, các cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện.
Gia đình đề nghị bác sĩ cho chuyển viện cứu thai nhi. Vượt hơn 400 km, sản phụ được chuyển đến một bệnh viện phụ sản lớn ở trung tâm TP HCM. Sau 10 phút nhập viện, chị Vy cạn ối phải tiêm thuốc giục sinh. Bé trai chào đời nặng 800 g, cử động yếu, thở co ngực lõm, tím tái, suy hô hấp, phải thở máy, bơm surfactant (chất để ngăn ngừa xẹp phế nang, giúp chức năng phổi hoạt động ổn định, thường cơ thể thai nhi ở tuần thứ 26 mới tự sản xuất được).
Thời gian đầu, bé đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, cân nặng tăng lên 1.500 g. Tuy nhiên, 5 tuần sau sinh, em bé nhiễm trùng nặng, viêm phổi, thở lõm ngực, nhiều đàm nhớt, không tăng cân. Cơ hội sống rất mong manh.
Đọc bài báo về chuyên gia đưa phác đồ "phút vàng sau sinh" về Việt Nam, đã cứu nhiều trẻ sinh cực non, bà nội bé tìm đến TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ Sinh BVĐK Tâm Anh TP HCM. Bà hi vọng: "Mong bác sĩ cứu cháu tôi, tôi tin rằng cháu còn cơ hội sống".
Ngày 30/3, êkip Hồi sức Sơ sinh của BVĐK Tâm Anh TP HCM đưa xe cấp cứu đón bệnh nhi về chăm sóc. Xe trang bị đầy đủ phương tiện: lồng ấp chuyển bệnh, máy thở, hệ thống hút đàm, giữ ấm... giúp bé ổn định suốt quãng đường di chuyển.
Bác sĩ Cam Ngọc Phượng cho biết: "Bệnh nhi nhập viện phải thở oxy, viêm phổi nặng, chỉ số SpO2 thấp. Chúng tôi thay đổi phương pháp hỗ trợ hô hấp, sử dụng máy thở rung thế hệ mới với tần số cao, nhờ vậy dần giảm được mức oxy phải sử dụng để hỗ trợ cho bé từ 100% xuống 60%, bé có thể dần dần tự thở".
Bé sinh non yếu không đáp ứng kháng sinh điều trị, xét nghiệm cấy đàm nhưng không tìm thấy vi trùng, vi khuẩn trong đường thở. Sau nhiều xét nghiệm chuyên sâu, bác sĩ Phượng mới phát hiện virus cytomegalo (CMV) trong máu bé. Đây là nguyên nhân gây viêm phổi nặng, khiến bệnh nhi không đáp ứng với những thuốc kháng sinh thông thường. Bé được điều trị thuốc đặc hiệu, kháng virus hiệu quả, lên cân tốt.
"Khi nhận bé, chúng tôi tiên lượng bé chỉ còn khoảng 5-10% cơ hội sống. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của hệ thống máy thở mới, êkip bác sĩ có kinh nghiệm nuôi sống nhiều trẻ sơ sinh cấp cứu bé thành công", bác sĩ Phượng thông tin.
Theo thống kê của UNICEF, tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh. Tử vong sơ sinh vẫn chiếm tới 2/3 trong tổng số tử vong trẻ dưới 1 tuổi.
Lê Nguyễn