Thời gian qua Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận nuôi dưỡng thành công nhiều trẻ chào đời non tháng. Trong đó, trẻ non tháng nhất chào đời ở tuần 25, chỉ nặng 740 gram. Tại khoa Hồi sức sơ sinh, bé được đặt ống thông (catheter) vào tĩnh mạch rốn, sau đó thiết lập đường truyền tĩnh mạch trung tâm đi từ ngoại biên để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Thông thường đường huyết ở trẻ sinh non thấp ở giai đoạn 30-90 phút sau sinh. Do đó, để phòng ngừa các tổn thương não vĩnh viễn không hồi phục hoặc nguy cơ tử vong, bé được truyền dung dịch nuôi dưỡng sớm giữ cho đường huyết trên 50 mg/dl để không bị hạ đường huyết.
Bé được nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần kéo dài 5 ngày sau đó, tập ăn qua đường dạ dày. Sau khi chào đời 32 ngày, bé ngưng dịch truyền, chuyển nuôi hoàn toàn bằng sữa. Cân nặng bé phát triển tốt với tuổi thai, lúc xuất viện bé khỏe mạnh, cân nặng đạt 2,2 kg.
Theo BS CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh,- Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP HCM, nuôi dưỡng tĩnh mạch cho trẻ sơ sinh qua catheter có nhiều phương pháp gồm: đặt catheter tĩnh mạch rốn, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm đi từ ngoại biên (PICC). Nghiên cứu cho thấy, phương pháp này giúp giảm đau, giảm nguy cơ nhiễm trùng, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Bên cạnh điều trị bệnh lý, việc nuôi dưỡng trẻ sinh non là công việc khó khăn. Trẻ sinh non được chăm sóc, theo dõi sát sao bởi các bác sĩ và điều dưỡng Trung tâm Sơ sinh. Trong đó, 50% trẻ phải cần phải bổ sung dinh dưỡng tích cực sớm qua đường tĩnh mạch vì chưa thể dung nạp qua đường tiêu hóa tốt. Nhờ chăm sóc dinh dưỡng chế độ đặc biệt, các bé dung nạp tốt, cải thiện tăng trưởng cho trẻ chào đời non tháng.
Ở trẻ sinh non, các cơ quan chưa trưởng thành đầy đủ, chân tay của em bé chỉ nhỏ như một ngón tay của người lớn nên việc đặt đặt catheter tĩnh mạch để nuôi ăn qua đường tĩnh mạch không đơn giản. Bệnh viện cần có các thiết bị chuyên dụng hỗ trợ, cùng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chuyên môn cao, thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ non tháng.
Các chất dinh dưỡng như glucose, protein, chất béo... khi được truyền trực tiếp vào máu qua đường tĩnh mạch gọi là nuôi ăn tĩnh mạch. Đây là cách thức nuôi ăn thay thế ở những trẻ sơ sinh non tháng do hệ tiêu hóa chưa trưởng thành hay đang mắc bệnh nặng. Một số em bé gặp bất thường bẩm sinh đường tiêu hóa, chưa dung nạp sữa, cần phải tạm ngưng nuôi ăn sữa hoàn toàn gọi là nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần. Trường hợp trẻ được kết hợp nuôi sữa thì gọi là nuôi ăn tĩnh mạch bán phần.
TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương, Phó giám đốc Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết, chậm tăng trưởng ngoài tử cung là thách thức lớn trong quá trình nuôi dưỡng trẻ sinh non. Trẻ chậm tăng trưởng có liên quan đến chậm phát triển tâm thần, vận động về sau. Nguyên nhân chính dẫn đến chậm tăng trưởng là dinh dưỡng sau sinh kém.
Do đó, các trẻ sinh non tháng có cân nặng dưới 1.500 gram bị thiếu hụt năng lượng, protein do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, cơ thể chưa thể hấp thụ tốt dinh dưỡng đến từ sữa,... buộc phải bổ sung dinh dưỡng qua dịch truyền.
Phương pháp nuôi ăn qua dịch truyền giúp trẻ tăng cân, đủ dinh dưỡng, phát triển tốt nhờ có đủ chất: đạm, béo, đường, vi chất, chất khoáng, chất điện giải, vitamin. Khi bé có thể tập ăn sữa, nuôi dưỡng tĩnh mạch trung tâm tiếp tục duy trì, sau đó ngừng hẳn khi trẻ có khả năng tự bú sữa.
Bảo đảm đủ dinh dưỡng, vô trùng
TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương cho biết, nuôi ăn tĩnh mạch cho trẻ sinh non tháng tại Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP HCM, có ưu điểm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là phosphor. Bé bị thiếu phosphor về lâu dài sẽ gây thiếu xương, còi xương ảnh hưởng phát triển chiều cao. Tại đơn vị, nguồn dịch truyền pha chế theo phương pháp chuẩn, bảo đảm tuyệt đối vô trùng, vì cơ thể trẻ sinh non vốn mỏng manh, nếu dịch pha không bảo đảm sẽ gây nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm.
Quá trình pha dịch nuôi dưỡng trẻ sơ sinh được thực hiện bởi các dược sĩ pha thuốc của khoa Dược - luôn cập nhật, đào tạo kiến thức, kỹ thuật nhuần nhuyễn. Hệ thống phòng pha thuốc - dinh dưỡng trang bị buồng pha dịch áp lực dương đảm bảo vô trùng.
Dược sĩ Trần Đăng Trình, Trưởng khoa Dược, BVĐK Tâm Anh TP HCM thông tin, khi pha thuốc, dịch truyền cho trẻ, các dược sĩ pha thuốc sẽ kiểm tra các đặc tính lý hóa của thuốc, dung môi để cân nhắc các thuốc, chất dinh dưỡng nào có thể pha chung, không gây tương tác, không gây kết tủa. Thuốc, dịch truyền pha chế được các bác sĩ điều trị tính toán theo công thức phù hợp, theo nhu cầu mỗi trẻ.
Nuôi ăn tĩnh mạch ở trẻ sinh cực non có thể phải kéo dài một tháng, vì thế lượng dinh dưỡng được tính toán cẩn thận và truyền liên tục vào cơ thể 24/24 giờ. Tốc độ dịch truyền có điều chỉnh để bé thích nghi dần, đến ngày thứ 4-5 sau sinh phải đạt mức tối đa tiếp thu năng lượng.
"Mỗi em bé sinh non là một bài toán khó. Mỗi ngày bác sĩ điều trị phải cân đo, tính toán lượng ăn phù hợp nhất cho từng trẻ ", BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh lý giải.
Tuy nhiên, trẻ được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch kéo dài mà không cho ăn sẽ khiến cho ruột kém hấp thu, gây rối loạn chuyển hóa. Đồng thời, chi phí nuôi ăn tĩnh mạch khá cao, gây tốn kém, là gánh nặng trong điều trị trẻ sinh non, vì thế BVĐK Tâm Anh luôn ưu tiên tập cho trẻ ăn qua đường tiêu hóa, rút ngắn thời gian nuôi ăn tĩnh mạch.
Trẻ sinh non tập ăn sữa theo thang sữa một cách cẩn trọng. Khi bé thích nghi được, lượng sữa sẽ được tăng dần lên, giảm dần dịch truyền, rồi ngưng hẳn. Với trẻ sinh non có cân nặng trên 1.500 gram, nếu có thể tự ăn sữa thì không cần sử dụng nuôi dưỡng tĩnh mạch trung tâm nhưng cần chuyên gia sơ sinh theo dõi, đánh giá.
BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh cho biết, ở trẻ sinh cực non chưa hoàn thiện các chức năng trong cơ thể để hấp thu thức ăn, dẫn đến viêm ruột, nặng hơn là viêm ruột hoại tử, thậm chí một số trường hợp bé thủng ruột, phải phẫu thuật. Cơ thể những em bé sinh non yếu ớt, phải nhịn ăn một đến 2 tuần lễ, nuôi ăn hoàn toàn qua tĩnh mạch sau đó mới có thể tập ăn trở lại.
Do đó, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khi tập cho bé ăn sữa, bác sĩ và điều dưỡng sẽ theo dõi sát sao, đánh giá tình trạng dung nạp của bé. Sau mỗi cữ ăn, trẻ được kiểm tra có các dấu hiệu thể hiện qua tình trạng bụng, phân, tổng trạng sức khỏe bé có thay đổi bất thường không. Một số trường hợp trẻ bất dung nạp sữa, dị ứng sữa có thể gây suy dinh dưỡng cần can thiệp kịp thời.
Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP HCM áp dụng thành công nhiều kỹ thuật khó để nuôi dưỡng trẻ thiếu tháng chào đời sớm từ 25, 26, 27 tuần.
Tuệ Diễm