Nước tiểu là sản phẩm của thận sau khi trải qua quá trình thanh lọc độc tố trong máu. Do đó, rất nhiều trường hợp một số thành phần hóa học của cơ thể xâm nhập vào nước tiểu. Nước tiểu có váng là một trong số đó.
Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Đinh Cẩm Tú, Trung tâm Tiết niệu thận học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, tình trạng váng dầu nổi trên bề mặt nước tiểu có thể là dấu hiệu của một số vấn đề về sức khỏe, thường gặp nhất là do cơ thể mất nước. Khi lượng nước nạp vào ít, nước tiểu bị cô đặc, các chất béo dễ được nhìn thấy. Tình trạng mất nước có thể do không uống đủ nước, tiêu chảy, nôn mửa... Những người thường xuyên bổ sung các vitamin thuộc nhóm hòa tan trong nước như vitamin B, C... cũng dễ đi tiểu có váng. Bởi các loại vitamin này không được lưu trữ trong các mô như vitamin tan trong dầu nên khi dư thừa sẽ được đào thải ra ngoài qua nước tiểu.
Dưỡng chấp niệu cũng gây tiểu váng. Đây là tình trạng dịch dinh dưỡng, bao gồm chất đạm và chất béo, từ hồi tràng, hổng tràng rò rỉ từ bạch mạch ruột vào hệ tiết niệu. Ngoài váng dầu, khi bị dưỡng chấp niệu, người bệnh còn có thể tiểu ra màu đục như sữa hay nước vo gạo. Nước tiểu ở bên ngoài môi trường lâu sẽ đông đặc lại... Nguyên nhân gây dưỡng chấp niệu là do nhiễm ký sinh trùng, chấn thương thận, di truyền, dị tật bẩm sinh...
Nước tiểu có váng còn là dấu hiệu của nhiễm ceton, trạng thái xuất hiện khi cơ thể cắt giảm gần như hoàn toàn tinh bột. Quá trình tăng cường đốt cháy chất béo làm sản sinh sản phẩm phụ ceton. Nồng độ ceton cao sẽ khiến cho nước tiểu có biểu hiện như nổi váng dầu. Ngoài do ăn kiêng, tình trạng ceton hiện diện trong nước tiểu còn do ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, rối loạn tiêu hóa, vận động mạnh với cường độ cao, thai phụ uống ít nước hoặc bị tiểu đường thai kỳ.
Để xác định nguyên nhân gây tiểu có váng, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh, các loại thuốc đang dùng, thói quen sinh hoạt, số lượng nước chỉ định xét nghiệm nước tiểu. Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) thận.
Với một số trường hợp không do nguyên nhân bệnh lý, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thay đổi lối sống. Tăng cường bổ sung nước để nước tiểu không bị cô đặc. Nếu nguyên nhân gây tiểu váng do dùng nhiều loại vitamin bổ sung, bác sĩ sẽ thay đổi thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh. Trong trường hợp người bệnh tiểu váng do các vấn đề của cơ quan tiết niệu như viêm cầu thận, thận hư, suy thận kèm theo tăng creatinin và ure, bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị nội khoa để kiểm soát bệnh. Khi việc điều trị nội khoa, thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả như mong muốn, bác sĩ chuyên khoa ngoại tiết niệu sẽ cân nhắc đến việc can thiệp bằng phẫu thuật, tùy theo tình trạng của người bệnh.
Bác sĩ Tú lưu ý nổi váng đôi khi là vô hại, nhưng cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo của cơ thể. Do đó, nếu thấy nước tiểu có váng dầu, mọi người cần kiểm tra lại thói quen sinh hoạt, dùng thuốc bổ sung vitamin. Nếu ngừng thuốc 1-2 ngày, nước tiểu trở về bình thường thì không có gì đáng ngại. Một số trường hợp gây ra nước tiểu váng là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Người bệnh nên đến ngay bệnh viện, nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng như: nước tiểu có lẫn máu, đau khi tiểu, sốt cao, choáng váng, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy liên tục, buồn ngủ tột độ, khát khô miệng... Điều này đặc biệt quan trọng với người bệnh tiểu đường, vì nước tiểu có váng có thể là dấu hiệu của một biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ Tú nhấn mạnh.
Hân Thái