Nước tiểu là sản phẩm của thận lọc ra khỏi máu gồm nước, chất điện giải và các chất thải. Khi cơ thể khỏe mạnh, màu nước tiểu bình thường khác nhau tùy vào lượng nước uống vào, từ không màu cho đến màu vàng nhạt. Màu nước tiểu đậm hay nhạt hơn một chút là bình thường, có thể có màu hổ phách khi cơ thể thiếu nước trầm trọng. Nhưng nếu màu sắc có sự khác biệt quá lớn so với giới hạn bình thường, đó có thể là dấu hiệu bệnh lý.
Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Võ Thị Kim Thanh, Trung tâm Tiết niệu thận học (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM), màu của nước tiểu được quy định bởi sắc tố urochrome do cơ thể sinh ra khi các protein vận chuyển oxy trong hồng cầu bị phân hủy. Ngoài ra, màu sắc nước tiểu còn bị ảnh hưởng bởi thức ăn, nước uống, thuốc uống và một số bệnh lý tiết niệu.
Thông thường, trên bảng quang phổ nước tiểu có 7 màu thể hiện mức độ từ nhạt đến đậm, từ trong đến đục.
Nước tiểu trong, màu trắng, cho thấy bạn đang uống nhiều hơn lượng nước cần thiết theo nhu cầu hàng ngày. Khi cơ thể dư nước sẽ làm các chất điện giải bị đào thải nhanh, khiến chúng ta có cảm giác như bị ngộ độc, bao gồm chóng mặt, buồn nôn, đau nhức, khó cử động... Bên cạnh đó, nước tiểu trong khi không uống nhiều nước là do các bệnh lý liên quan đến gan như xơ gan, viêm gan siêu vi.
Nước tiểu có màu từ vàng nhạt cho đến màu hổ phách là bình thường. Nhưng nếu chuyển sang màu cam đó là biểu hiện của tình trạng thiếu nước do uống không đủ hoặc mất nước quá nhiều khi xông hơi, vận động mà chưa kịp bổ sung. Nước tiểu màu cam là biểu hiện của các bệnh gan mật hoặc đang sử dụng thuốc chống viêm, thuốc hóa trị.
Trên bảng màu còn có nước tiểu màu đỏ hoặc hồng. Màu nước tiểu này xuất hiện khi chúng ta ăn các loại thực phẩm, trái cây có màu đỏ. Liên quan đến bệnh lý, nước tiểu màu đỏ là do có máu. Tình trạng tiểu máu này do các nguyên nhân như sỏi thận, tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, khối u trong bàng quang và thận. Một số người dùng thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng cũng làm cho nước tiểu có màu đỏ.
Nước tiểu màu xanh lam hoặc xanh lục hiếm gặp hơn. Trường hợp này thường liên quan đến thực phẩm, thuốc có chất xanh methylen. Nếu bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh, nước tiểu cũng có thể chuyển sang màu xanh lam, xanh lục hoặc tím. Tình trạng tăng calci huyết lành tính di truyền cũng làm cho nước tiểu chuyển thành xanh. Đó là biểu hiện của nồng độ canxi thấp và ít người nhận biết nước tiểu đổi màu.
Biểu hiện nước tiểu chuyển màu nâu là dễ nhận biết nhất. Nước tiểu màu nâu có thể do thiếu nước, tác dụng phụ của các loại thuốc nhuận trường, thức ăn... Nguy hiểm hơn là gặp tình trạng rối loạn chuyển hóa porphyrin, bệnh gan mật do có mật trong nước tiểu và tiểu máu khi gắng sức. Nếu bạn thường xuyên thấy nước tiểu màu nâu sẫm sau khi tập thể dục hoặc nếu nước tiểu của bạn không trở lại bình thường sau 48 giờ, bạn nên đến gặp bác sĩ tư vấn hỗ trợ thêm.
Một màu khác trên bảng quang phổ nước tiểu là nước tiểu đục. Đây có thể là dấu hiệu đường tiết niệu bị nhiễm trùng, tiền sản giật ở phụ nữ mang thai. Nếu nước tiểu đục kèm với nổi bọt là dấu hiệu của viêm túi thừa hoặc bệnh viêm hồi tràng u hạt Crohn. Nó cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh mạn tính và bệnh thận. Nước tiểu đục cũng là một dấu hiệu do cơ thể bị mất nước. Một số trường hợp nước tiểu có bọt không thể xác định được nguyên nhân.
Các yếu tố ảnh hưởng màu nước tiểu gồm có tuổi tác, tiền sử gia đình, thói quen vận động... Do đó, bác sĩ Kim Thanh cho biết, nước tiểu đổi màu không do thức ăn hay tác dụng phụ của thuốc là một trong những dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe. Khi nhìn thấy nước tiểu có màu bất thường như cam, nâu hay đỏ, mọi người nên đến bệnh viện có chuyên khoa tiết niệu càng sớm càng tốt để được thực hiện thêm các biện pháp chẩn đoán khác nhằm xác định chính xác nguyên nhân, giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Hân Thái