Tiết niệu là hệ cơ quan có vai trò lọc máu, tạo thành và bài tiết nước tiểu cùng các chất độc hại khác của quá trình chuyển hóa ra khỏi cơ thể. Khi hệ cơ quan này bị tổn thương sẽ gây rối loạn hệ bài tiết. PGS.TS Vũ Lê Chuyên - Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho hay những bệnh đường tiết niệu thường gặp ở nam giới bao gồm:
Sỏi thận
Sỏi thận là các tinh thể rắn được hình thành do sự gia tăng nồng độ một số chất trong nước tiểu so với bình thường. Trong đó, tinh thể canxi kết hợp với oxalat hoặc phosphat là loại sỏi phổ biến nhất. Ngoài ra còn có một số loại sỏi khác như sỏi axit uric, sỏi nhiễm trùng struvite, sỏi cystine... Bệnh thường gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 30 - 55.
Các triệu chứng đặc trưng của sỏi thận bao gồm: đau quặn thận, cơn đau dữ dội ở một bên vùng hố thắt lưng, lan ra phía trước, xuống dưới; tiểu ra máu, đặc biệt là khi người bệnh hoạt động nhiều hoặc vận động mạnh; bí tiểu, thận ứ nước căng to do sỏi cản trở đường tiểu...
Thông thường, những viên sỏi có kích thước nhỏ sẽ dễ dàng được đào thải ra khỏi cơ thể qua đường tiểu. Những trường hợp sỏi lớn hơn, lên đến vài cm, khó thải qua đường tiểu hoặc gây tổn thương thận, niệu quản, bàng quang sẽ được can thiệp loại bỏ bằng cách dùng thuốc hoặc chỉ định thực hiện các thủ thuật tán sỏi bằng sóng xung kích ngoài cơ thể, mổ nội soi lấy sỏi thận qua da, nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống soi mềm...
Viêm bàng quang mạn tính
Viêm bàng quang mạn tính, còn gọi là viêm bàng quang kẽ, là tình trạng tổn thương lớp niêm mạc bàng quang không do vi khuẩn.
Bệnh thường kéo dài dai dẳng, mỗi đợt bùng phát sẽ có cường độ và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Đau thắt ở vùng hạ vị, cảm giác nóng rát, châm chích khi đi tiểu là những triệu chứng bệnh phổ biến nhất. Ngoài ra, người bệnh còn có thể cảm thấy bàng quang căng tức dù đã đi tiểu, nhu cầu đi tiểu tăng cao bất thường, đau rát niệu đạo mỗi khi đi tiểu và quan hệ tình dục, nước tiểu lẫn máu hoặc có màu sẫm...
Nếu không được kiểm soát tốt, viêm bàng quang mạn tính có thể gây nhiễm trùng ngược, ảnh hưởng đến chức năng thận và hệ thống sinh dục. Thay đổi thói quen sống là một trong những phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. Theo đó, người bệnh nên luyện tập bàng quang để kiểm soát được nhu cầu và tần suất đi tiểu; đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể; giảm chất ngọt, béo, kích thích trong chế độ ăn uống; chườm ấm bàng quang... Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định tiêm antimuscarinic để giảm co bóp cơ chóp bàng quang, tăng cường chất bảo vệ niêm mạc.
Tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính
Tại Việt Nam, 63,8% nam giới trên 60 tuổi mắc bệnh tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính, tỷ lệ này lên tới 90% ở nam giới từ 80-90 tuổi. Tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính là một u lành thường gặp nhất ở nam giới trung niên và kích thước sẽ tăng dần theo thời gian.
Bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt gây ra tình trạng rối loạn đi tiểu với các biểu hiện như bí tiểu, tiểu rặn, tiểu ngắt quãng, tia nước tiểu yếu, cảm giác đi tiểu không hết, tiểu rắt, tiểu gấp, tiểu đêm...
Ở những trường hợp nhẹ, người bệnh có thể chung sống với tăng sinh tuyến tiền liệt mà không cần điều trị. Ngược lại, đối với những trường hợp bệnh nặng, dù không gây tử vong nhưng bệnh có thể làm giảm chất lượng sống, ảnh hưởng nặng nề đến các cơ quan khác. Một số phương pháp điều trị tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính bao gồm: điều trị nội khoa bằng thuốc chẹn alpha, thuốc ức chế 5 – alpha reductase, thuốc kháng muscarinic...; hoặc phẫu thuật bóc bướu qua ngã bàng quang, điều trị niệu đạo bằng nhiệt vi sóng, sử dụng kim nhiệt qua niệu đạo hủy tuyến tiền liệt, sử dụng Laser cắt tuyến tiền liệt, bốc hơi tuyến tiền liệt bằng ánh sáng xanh, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt qua nội soi niệu đạo.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu hay viêm đường tiểu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào nước tiểu làm viêm nhiễm một số cơ quan trong hệ tiết niệu. Bệnh gây ra các triệu chứng tại chỗ như tiểu gắt buốt, tiểu lắt nhắt, cảm giác còn nước tiểu trong bàng quang dù mới đi tiểu; nước tiểu có màu đục, mùi hôi nồng, có lẫn máu hoặc mủ. Ngoài ra, thận là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với máu, chịu trách nhiệm lọc máu và hình thành nước tiểu. Vì vậy, vi khuẩn khi xâm nhập vào hệ niệu cũng dễ dàng xâm nhập vào máu, lan ra toàn cơ thể, gây ra tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng, thậm chí là sốc nhiễm khuẩn và có thể dẫn tới tử vong. Lúc này, người bệnh sẽ có biểu hiện như sốt cao, rét run, môi khô, gương mặt hốc hác...
Phó giáo sư Vũ Lê Chuyên cho biết, kháng sinh là cách điều trị viêm đường tiết niệu thường được sử dụng nhất nếu chỉ xuất hiện những triệu chứng khu trú ở đường tiết niệu dưới do viêm bàng quang, viêm niệu đạo. Nếu ổ nhiễm khuẩn không khống chế được bằng thuốc hoặc có biến chứng trên thận, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Viêm thận bể thận
Viêm thận bể thận xảy ra do vi khuẩn tấn công, gây viêm nhiễm nhu mô thận, mô kẽ của thận, xung quanh các đài thận, bể thận và niệu quản... Bệnh được chia thành viêm thận bể thận cấp và mạn tính.
Dù viêm thận bể thận mạn thường không có triệu chứng rõ rệt nhưng nhìn chung, cả tình trạng cấp tính và mạn tính đều làm xuất hiện các vấn đề về sức khỏe như: sốt cao trên 39 độ, lạnh run; đau ở bụng, hông, lưng, bẹn, cơn đau có thể lan đến bàng quang và bộ phận sinh dục ngoài; tiểu đau, tiểu rát, khó tiểu, tiểu rắt; nước tiểu đục, có mủ hoặc máu; có thể sờ thấy thận to, ấn vào gây cảm giác đau nhói...
Bệnh viêm thận bể thận thường được điều trị bằng kháng sinh. Nếu tình trạng không cải thiện hoặc xuất hiện biến chứng tắc nghẽn thận, sốc nhiễm khuẩn sẽ được chỉ định phẫu thuật can thiệp. Đây đều là những biến chứng nguy hiểm, tiên lượng tử vong cao.
Phó giáo sư Chuyên khuyến cáo, dù là bệnh thường gặp và có thể điều trị nhưng người bệnh không nên chủ quan. Vì bệnh đường tiết niệu có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong, do đó, cần thăm khám sớm khi phát hiện triệu chứng.
Phi Hồng