Bệnh nhân Thanh Phong (52 tuổi, Hải Phòng) xem TS.BS Trần Hải Bình (Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) là ân nhân. 9 năm trước khi biết mình mắc ung thư gan di căn phổi, ông buồn chán, định buông xuôi. Nhưng bác sĩ Hải Bình đã động viên, chọn phác đồ điều trị tối ưu và đồng hành cùng ông suốt quá trình điều trị. Ông làm nông, không biết chữ, bác sĩ dùng hình ảnh giải thích rất tận tình. Mỗi khi có kết quả siêu âm, xét nghiệm, bác sĩ đều trực tiếp gọi điện thông báo và động viên ông.
"May mắn được gặp bác sĩ chữa bệnh từ tâm, lòng tôi vững vàng hơn. Tôi mạnh mẽ chiến đấu và đến nay vẫn có thể làm việc, sống vui khỏe, lạc quan", ông Phong nói.
Tùy vào từng trường hợp, gia cảnh, bác sĩ Hải Bình lựa chọn cách tiếp cận và giải thích khác nhau. Mục tiêu là để người bệnh có thể đồng hành với bác sĩ trong cả quá trình điều trị lâu dài, lạc quan, không bỏ cuộc, không tin theo những phương pháp chưa được kiểm chứng khoa học.
Bác sĩ Hải Bình từng đỗ á khoa đầu vào của Đại học Y Hà Nội năm 2000, nhận học bổng toàn phần du học Nga và tốt nghiệp Đại học Y khoa quốc gia Volgograd (Nga) với tấm bằng xuất sắc vào năm 2008. Nhận được nhiều lời mời làm việc, phát triển ở nước ngoài, nhưng với mong muốn chữa bệnh cho người dân tại quê hương, bác sĩ trở về quê hương và gắn bó với lĩnh vực ung thư.
"Tôi nghĩ ung thư là chuyên ngành khó nên càng muốn thử thách để chinh phục. Ngày mới vào nghề, tôi hy vọng tìm ra một loại thuốc chữa khỏi bệnh ung thư để bệnh nhân không còn đau đớn nữa", bác sĩ Hải Bình cho biết.
Với nữ bác sĩ quê Hải Phòng, hoài bão, cơ duyên đưa chị đến với nghề, nhưng trải nghiệm thực tế sau 15 năm hành nghề lại rất khác biệt so với tưởng tượng ngày trẻ. Sau khi cọ xát thực tế, bác sĩ kỳ vọng vừa điều trị vừa giúp bệnh nhân giảm nỗi lo về tâm lý. Bởi theo chị, đa số bệnh nhân ung thư ở nước ta thường phát hiện muộn. Bệnh nhân và cả người nhà luôn lo lắng, hoang mang vì nghĩ ung thư là "án tử".
"Nhiều bệnh nhân nhận kết quả chẩn đoán ung thư rất suy sụp, trong quá trình điều trị nếu gặp nhiều khó khăn, cảm thấy bác sĩ không quan tâm giải đáp thắc mắc, có thể khiến người bệnh dễ bỏ cuộc", bác sĩ Hải Bình nói.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, bác sĩ Hải Bình mở điện thoại, kiểm tra các tin nhắn đến và lần lượt hồi âm. Chị cười khi lướt đến dòng tin nhắn: "Bác sĩ ơi, chiều nay đi ăn ốc không?". Đây là tin nhắn của vợ một bệnh nhân ung thư gan mà chị từng điều trị. Tất cả bệnh nhân đến khám, chị đều lưu lại số liên lạc. Mỗi lúc rảnh, ngoài giờ làm việc chị nhắn tin hỏi tình hình, giải đáp thắc mắc của người bệnh cũng như người nhà.
Tuy nhiên, vừa làm việc vừa hoàn thành trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình nên đôi lúc chị bỏ lỡ những cuộc gọi. Chị kể, những tối về nhà, loay hoay việc gia đình thì có cuộc gọi từ bệnh nhân. Lúc đang khám bệnh, bệnh nhân khác lại nhắn tin, đến giờ ăn trưa hoặc sau giờ làm chị mới có thời gian trả lời nên cũng khá trễ.
Bác sĩ nhớ lại, có trường hợp bệnh nhân bị nôn rất nhiều, ngứa đỏ sau khi truyền hóa chất và nhờ bác sĩ giúp đỡ nhưng lúc đó chị lại không nghe điện thoại kịp, nên day dứt lắm. "Tôi nghĩ lúc đó bệnh nhân đang cần bác sĩ, chắc họ lo lắng lắm nhưng lại không kịp giúp đỡ họ. Tôi ước một ngày có 48 giờ để có thời gian cho bệnh nhân nhiều hơn nữa", bác sĩ trải lòng.
Chị Thanh Thảo, 38 tuổi (Thái Nguyên) bị ung thư vòm họng, di căn hạch cổ, từng được bác sĩ Hải Bình điều trị vào năm 2018. Lúc đó, bệnh nhân phải hóa trị kết hợp xạ trị vùng đầu cổ, nguy cơ biến chứng teo tuyến nước bọt, cứng hàm, không há miệng được khá cao.
Bác sĩ đã kết bạn với chị Thảo qua zalo và thường xuyên trò chuyện, hướng dẫn chị cách ăn uống, chăm sóc để giảm triệu chứng khó chịu. Tuân thủ đúng phác đồ và hướng dẫn từ bác sĩ, kết quả điều trị của chị Thảo rất khả quan.
"Tôi xem đó là một kỳ tích. Tôi khỏe mạnh sau hóa trị và giờ làm việc bình thường. Tôi vẫn hay nhắn tin tâm sự với bác sĩ, cập nhật tình hình sức khỏe và chia sẻ về cuộc sống hiện tại. Bác sĩ Bình vẫn thường nhắc nhở tôi massage cổ, tập các bài tập phục hồi chức năng tại nhà để phòng ngừa biến chứng", chị Thảo chia sẻ.
Trong quá trình điều trị, bác sĩ luôn nghiên cứu cẩn trọng tình trạng bệnh lý của người bệnh để đưa ra những phác đồ cá thể hóa, tối ưu nhằm giảm tối đa biến chứng, cũng như tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Bên cạnh mục tiêu điều trị hiệu quả, bác sĩ còn quan tâm đến chất lượng cuộc sống sau đó.
Theo bác sĩ Hải Bình, yếu tố tâm lý của người bệnh ung thư ảnh hưởng rất lớn tới quá trình điều trị. Do đó, bác sĩ luôn đồng hành cùng người thân an ủi động viên bệnh nhân và trở thành "người bạn tâm giao" cố gắng xoa dịu nỗi lo sợ, giúp họ lạc quan, không bỏ cuộc.
"Tôi xem bệnh nhân như những người thân, người bạn của mình nên không giữ khoảng cách để họ có thể đặt niềm tin vào bác sĩ và an tâm điều trị", bác sĩ Hải Bình chia sẻ.
Anh Chi
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.