Một vấn đề khá nóng trong thời gian gần đây là tranh luận về quy định "nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe". Dạo qua một vòng các bình luận, tôi nhận thấy rằng nhiều độc giả có quan điểm cần quy nâng mức nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông lên con số lớn hơn 0. Những người theo quan điểm này đưa ra khá nhiều lập luận như: sử dụng rượu từ một ngày trước đó, đến hôm sau dù có thể vẫn còn nồng độ cồn nhưng vẫn tỉnh táo để lái xe; hay việc sử dụng rượu bia, thực phẩm có tính chất lên men khi nấu ăn vô tình làm tăng nồng độ cồn trong máu; thậm chí là cả nồng độ cồn tự nhiên trong cơ thể con người...
Có người còn dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và những luật lệ của các nước trên thế giới để bảo vệ cho ý kiến của mình. Tất nhiên, điều đó hoàn toàn chính xác và không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, các bạn quên mất việc đặt dấu hỏi cho các nguồn thông tin đó, mà chỉ tập trung vào việc bảo vệ luận điểm của bản thân.
Chúng ta cần thừa nhận với nhau rằng chưa có một nghiên cứu trên thế giới nào khẳng định rằng "nồng độ cồn trên mức 0 tác động, ảnh hưởng thế nào đến hành vi, nhân thức con người". Ngay cả khi nếu có nghiên cứu nào nói vậy thì tôi nghĩ chúng ta cũng không nên tin tưởng hoàn toàn vì thực tế cơ thể mỗi người mỗi khác, không ai dám chắc bạn uống một chén rượu vẫn cảm thấy tỉnh táo thì người khác cũng vậy.
Đến đây, hẳn sẽ có người cho rằng "những người uống một chén rượu đã mất tỉnh táo thì họ sẽ không bao giờ uống". Vậy bạn có bằng chứng nào cho kết luận đấy hay không? Hoặc đơn giản hơn, nếu không uống bia, rượu, nhưng vô tình ăn thực phẩm lên men, hay chế biến từ rượu thì sao?
Các nghiên cứu trên thế giới chỉ chỉ ra những mức độ cồn nào thực sự ảnh hưởng đến thần kinh, hành vi một cách rõ rệt và trên mẫu chọn nhiều nhất để đại diện cho tổng thể mà thôi. Thậm chí, có những nghiên cứu đã chỉ ra, dù dưới mức nồng độ cồn cho phép nhưng vẫn có rất nhiều tai nạn xảy ra. Vậy câu hỏi chúng ta đặt ra là tại sao vẫn có mức nồng độ cồn tối thiểu tại các nước khác mà Việt Nam lại không có?
>> 'Độ cồn bằng 0 sẽ hạn chế xe cá nhân'
Để trả lời câu hỏi này, tôi sẽ bắt đầu từ câu hỏi: các nước trên thế giới có lợi thế gì về giao thông mà Việt Nam không có? Từ đó, tôi xin đặt tiếp một câu hỏi: với những khác biệt như vậy, thì liệu Việt Nam có thể áp dụng luật của các nước trên thế giới hay không?
Thực tế, giao thông ở Việt Nam đã và đang quá bát nháo. Mỗi ngày, có biết bao nhiêu tin tức trên mặt báo về hành vi lấn làn, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, không tôn trọng pháp luật, chế tài chưa đủ răn đe... Với bằng đấy những khuyết điểm về ý thức giao thông thì thật khó có thể bê y nguyên luật lệ của nước ngoài để áp dụng được cho nước ta, nhất là khi người có tỷ lệ sử dụng rượu, bia đứng đầu thế giới.
Ở một quốc gia mà ngay cả ôtô - một phương tiện văn minh hiện đại - cũng vẫn ngang nhiên vượt đèn đỏ thì khi cho phép một mức nồng độ cồn nhất định, dù chỉ là chút ít, thì cũng chẳng ai dám chắc, hay có nghiên cứu nào đảm bảo là sẽ không có vấn đề gì? Tóm lại, tôi không phản bác hoàn toàn quan điểm cần có mức nồng độ cồn tối thiểu, nhưng để có được sự an toàn chúng ta cần phải đánh đổi và chấp nhận những bất tiện nhất định. Muốn thay đổi điều này, chúng ta sẽ buộc phải phát triển, đi lên cả về mặt cơ sở hạ tầng lẫn ý thức giao thông.
Mong rằng trong tương lai, giao thông và các điều kiện giao thông ở Việt Nam sẽ tốt hơn để chúng ta có cái nhìn khác đi về quy định nồng độ cồn tối thiểu, cũng như tự tin áp dụng mức nồng độ cồn lớn hơn 0 như các nước phát triển đang làm. Còn hiện tại, dù không thực sự muốn, nhưng tôi cho rằng đây là cách tốt nhất để chúng ta giảm thiểu tối đa tai nạn có nguyên nhân từ rượu, bia.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.