Tôi ủng hộ quan điểm của tác giả bài viết "Ngụy biện 'ăn tôm hấp bia bị phạt nồng độ cồn'". Bộ Công an cũng đã nêu rõ: nồng độ bằng 0 là nhằm mục đích rèn luyện cho người dân tự giác bớt uống rượu bia và sử dụng phương tiện công cộng sau khi nhậu. Trong tương lai, chúng ta cũng sẽ tiến tới cấm phương tiện cá nhân di chuyển trong nội đô khi đã có đầy đủ tàu điện, xe buýt điện như các nước phát triển, nên việc đi lại bằng phương tiện cá nhân không còn là thiết yếu nữa.
Theo tôi, quy định nồng độ cồn bằng 0 là để dân ta từ top 9/10 nước tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới sẽ thay đổi thói quen nhậu nhẹt và giảm bớt trong tương lai. Nhờ đó, người Việt sẽ dành nhiều thời gian hơn để làm việc, học tập và chăm lo gia đình, thay vì "rảnh rỗi sinh nông nổi", ăn nhậu tối ngày, gây ảnh hưởng đến hàng xóm, gia đình và xã hội.
Với những ý kiến phản đối quy định nồng độ cồn hiện nay, tôi vẫn giữ câu hỏi cũ: nếu có mức giới hạn nào đó lớn hơn 0, liệu người sử dụng rượu, bia liệu có biết uống tới mức nào thì dừng, mức nào thì sẽ bị phạt? Cho dù mỗi người tự sắm máy đo nồng độ cồn cho mình để kiểm tra trước khi lái xe ra đường, nhưng nếu kết quả đo của CSGT cho ra kết quả khác thì bạn có chấp nhận chịu phạt không, hay lại vin vào đó để cự cãi, làm mất thời gian của lực lượng chức năng?
Chính vì lập luận đòi hỏi "không có gì là tuyệt đối" nên nhiều người mới tìm đủ cách để lách luật. Tôi cho rằng, cố khuyên người nghiện rượu, bia chẳng khác nào "đàn gẩy tai trâu". Còn cứ thả lỏng cho người dân uống ly rượu đế bé tí mà nặng 45-60 độ thì tới bao giờ người ta mới chịu ngưng nhậu?
Một chai bia mua ở Singapore có giá 7 USD và nếu ai vượt quá nồng độ cồn cho phép sẽ bị phạt 2.000 - 5.000 USD. Tức là, chỉ người khá giả trở lên mới có điều kiện để uống rượu, bia. Mà họ cũng chưa chắc đã dám uống vì sợ bị phạt nặng. Vậy nên, rượu bia cũng chẳng mang lại nhiều GDP cho Singapore.
>> 'Phạt tù người vi phạm nồng độ cồn sẽ thiếu tính giáo dục'
Nếu không siết nồng độ cồn bằng 0, tôi tin sẽ có người viện lý do "tôi mới hôn người uống rượu bia nên hơi thở có cồn" để chống chế khi bị xử phạt. Không cấm tuyệt đối đồng nghĩa chúng ta phải áp dụng luật của các nước phát triển. Ví dụ như vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt tù 6-12 tháng, tái phạm ba lần tăng lên thành hai năm. Thử hỏi các bạn phản đối quy định hiện nay có chấp nhận mức xử phạt như vậy không, hay là còn chống đối nhiều hơn?
Trong cuộc tranh luận trái chiều về quy định nồng độ cồn bằng 0, tôi thấy một bên chỉ nói miệng mà không có bằng chứng khoa học (nhưng người phản đối) và bên kia dựa vào máy đo nồng độ cồn và xét nghiệm máu để làm căn cứ xử phạt người lái xe có nồng độ cồn. Vậy là rõ ràng phần đúng nghiêng về bên nào chắc ai cũng nhận ra, khỏi cần tranh cãi nhiều cho mệt.
Người Nhật có thói quen đi bộ và phương tiện công cộng (tàu điện, taxi, xe buýt...) mỗi ngày. Còn người Việt thích tự lái xe, kể cả lúc say xỉn. Nếu không muốn cấm tuyệt đối cồng độ cồn thì các bạn hãy hiến kế làm thế nào để những người ham nhậu nhẹt, bê tha biết uống có chừng mực đi. Hãy nghĩ giải pháp thay vì chỉ biết phản bác.
Ở đây, không ai cấm bạn uống bia, rượu, hay ăn uống những thực phẩm có sử dụng rượu, bia, nhưng đã ăn, đã uống rồi thì phải thuê xe (hoặc nhờ người khác chở), thế thôi. Chẳng qua là do thói quen thích tự lái xe và sợ tốn tiền thuê xe nên nhiều người vẫn cự cãi, phản đối quy định hiện hành. Bao giờ ý thức và trách nhiệm của người Việt gần bằng người Nhật và Singapore thì lúc đó việc nới lỏng quy định mới có thể thực hiện được. Còn không thì cứ cấm hẳn để khỏi phải lăn tăn.
Singapore không quy định nồng độ cồn bằng 0, nhưng họ áp dụng ba phương án:
1. Tăng giá rượu, bia và siết chặt việc sản xuất rượu, bia không rõ nguồn gốc. Mỗi chai bia được phép sản xuất và sử dụng có giá 7 USD (khoảng 162.000 đồng).
2. Có giới hạn nồng độ cồn cho phép, nhưng cấm tuyệt đối người dân uống rượu, bia từ 22h30 tới 7h sáng hôm sau (là quãng thời gian để giảm nồng độ cồn xuống mức cho phép).
3. Xử phạt nặng với người vi phạm nồng độ cồn: vi phạm lần đầu phạt 2.000 USD, không nộp phạt sẽ bị phạt tù 12 tháng; tái phạm phạt 5.000 USD hoặc phạt tù hai năm. Đó sẽ là khoảng thời gian để người vi phạm cai nghiện rượu, bia.
Nếu các bạn không muốn cấm tuyệt đối thì cứ thử áp dụng cách làm của Singapore xem sao. Chỉ sợ tới lúc đấy những người phản đối nồng độ cồn bằng 0 lại than trời gấp trăm lần hiện tại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.