Gần một năm nay, chị Tiến (58 tuổi, Hà Nội) luôn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn. Sau nhiều lần điều trị tại các cơ sở y tế, khối lồi hậu môn và triệu chứng đi ngoài ra máu không thuyên giảm. Tại khoa Tiêu hóa - Gan Mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị được chỉ định nội soi đại tràng tầm soát ung thư.
Polyp có nguy cơ tiến triển thành ung thư
Các bác sĩ chẩn đoán chị Tiến có polyp đại tràng, polyp lớn trực tràng chảy máu và có trĩ kèm theo. Với máy nội soi thế hệ mới, đầu dây nội soi có bộ phận phát sóng siêu âm khi đưa vào đại tràng cho phép quan sát, phát hiện tổn thương mà bình thường siêu âm qua thành bụng không thể phát hiện được. Nội soi phóng đại 100 lần với máy NBI, BLI cho phép tầm soát polyp đại tràng. Từ đó, các bác sĩ có thể đánh giá các khối u dưới niêm mạc và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.
Bác sĩ Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan Mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết: Trên nội soi, đại tràng bệnh nhân có một số polyp nhỏ đã được cắt. Tuy nhiên, trực tràng có khối polyp u tuyến lớn, chiếm một phần chu vi lòng trực tràng, chân tổn thương rộng không có cuống, bề mặt khối chia có nhiều múi, trên có loét loang lổ rỉ máu. Hình ảnh nội soi phóng đại nghi ngờ tổn thương u tuyến trực tràng tiến triển ung thư. Do vậy, trường hợp này, theo các bác sĩ cần phải cắt triệt để toàn bộ tổn thương u tuyến nhằm đảm bảo khối u không tái phát.
Nếu không kịp thời phát hiện polyp và được xử trí theo hướng can thiệp ít xâm lấn bằng nội soi, người bệnh có thể gặp bất lợi về sức khỏe, suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu.
Can thiệp ít xâm lấn bằng nội soi
Chị Tiến được chỉ định nội soi cắt tách dưới niêm mạc (ESD) điều trị u trực tràng. Kỹ thuật cắt niêm mạc hoặc cắt tách dưới niêm mạc (EMR/ESD) điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm hoặc tổn thương tiền ung thư là phương pháp cắt bỏ toàn bộ tổn thương u tại đại trực tràng được thực hiện hoàn toàn qua nội soi mà không cần phẫu thuật.
Theo bác sĩ Khanh, kỹ thuật tiến bộ này mang lại hiệu quả, an toàn, ít xâm lấn và đảm bảo cắt tách toàn bộ tổn thương u ra khỏi thành trực tràng, tránh bỏ sót và tái phát khối u. Ở giai đoạn ung thư còn sớm hoặc tiền ung thư, phương pháp này cho phép chữa khỏi hoàn toàn mà không phải phẫu thuật cắt đoạn đại tràng và điều trị bổ trợ bằng hóa chất hoặc tia xạ.
Chị Tiến chia sẻ, những lo lắng thường trực do phải đối diện với các triệu chứng khiến cơ thể khó chịu, mệt mỏi đã được trút bỏ. Qua đó, chị hiểu hơn về căn bệnh của bản thân, biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân theo lời khuyên của bác sĩ.
Khối u trực tràng qua kết quả giải phẫu bệnh là u biểu mô tuyến nhung mao loạn sản độ cao, diện cắt khối u không còn tổn thương. Sau cắt khối u trực tràng, bệnh nhân không đau bụng, không còn đi ngoài ra máu. Bệnh nhân được nội soi đánh giá lại sau 3 ngày, vị trí chân cắt khối u ổn định. Chị Tiến ra viện và được hẹn kiểm tra lại sau 6 tháng.
Tiến sĩ Vũ Trường Khanh khuyến cáo, khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm như máu trong phân, đột ngột bị táo bón, tiêu chảy nhiều ngày cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín. Bởi trong nhiều trường hợp có triệu chứng tương tự, người bệnh thường có nguy cơ cao polyp. Tại khoa Tiêu hóa - Gan Mật - Tụy, các bác sĩ có chuyên môn vững, làm chủ các kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn giúp điều trị hiệu quả polyp đại tràng. Nếu phát hiện và điều trị trong giai đoạn muộn, polyp đại tràng có thể gây ung thư đại tràng khiến việc điều trị và phục hồi sức khỏe khó khăn hơn.
Để phòng polyp đại tràng cần có chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, hạn chế mỡ và rượu, thuốc lá, thường xuyên tập thể dục, duy trì cân nặng chuẩn. Những đối tượng có nguy cơ cao hoặc có tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng nên đi khám sàng lọc định kỳ.
Lục Bảo