Ông Nguyễn Văn Đình (66 tuổi, Bắc Ninh) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vào giữa tháng 4/2023 do nuốt vướng nhiều ngày không cải thiện. Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp và có thói quen hút thuốc lào, uống rượu nhiều năm. Ông từng khám tại một bệnh viện lớn, được chẩn đoán ung thư thực quản giai đoạn sớm với nhiều tổn thương dọc thực quản. Người bệnh đã được can thiệp nội soi cắt một tổn thương khoảng 2 cm ở thực quản.
Bác sĩ Đào Trần Tiến (Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) nội soi thấy đoạn thực quản phía dưới của người bệnh có thêm khối u kích thước lớn chiếm hơn 50% chu vi lòng thực quản, dài khoảng 5 cm và có nhiều tổn thương nhỏ rải rác. Các tổn thương này dễ bỏ sót nếu không quan sát kỹ. Kết quả chụp cắt lớp ngực cho thấy, tổn thương chỉ khu trú trong niêm mạc thành thực quản, chưa di căn hoặc xâm lấn phía ngoài thực quản.
Bác sĩ Tiến cho biết, với khối u kích thước lớn, thông thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, xạ trị hoặc chăm sóc giảm nhẹ. Tuy nhiên, phẫu thuật ung thư thực quản khá phức tạp, hậu phẫu kéo dài. Người bệnh có nguy cơ khó nuốt, chảy máu, hẹp miệng nối hoặc rò miệng nối, nhiễm trùng. So với phẫu thuật, phương pháp cắt tách niêm mạc thực quản (ESD) ít xâm lấn, thực hiện qua nội soi nên người bệnh hồi phục nhanh, ít biến chứng. Đây là lựa chọn tối ưu có thể thay thế phẫu thuật trong các trường hợp ung thư thực quản giai đoạn sớm.
Theo bác sĩ Tiến, cắt tách tổn thương qua nội soi thực quản là một kỹ thuật tương đối khó so với kỹ thuật này ở dạ dày do thành thực quản mỏng, dễ gặp rủi ro trong quá trình thực hiện như chảy máu, thủng... Lòng thực quản nhỏ nên các thao tác bị hạn chế. Hơn nữa, người bệnh từng can thiệp nội soi cắt tổn thương ở thực quản nên dễ có nguy cơ sẹo hẹp gần vị trí cắt, gây khó khăn khi tách lớp dưới niêm mạc.
Với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, đầu nội soi phóng đại gấp 100 lần, bác sĩ phải vừa cắt toàn bộ khối u, vừa cắt khoanh rộng ngoài khối u đảm bảo giữ phần niêm mạc lành để không ảnh hưởng đến chức năng của thực quản sau cắt.
Sau can thiệp hai ngày, người bệnh hồi phục tốt, có thể ăn uống được bình thường, không có triệu chứng khó nuốt, khó thở, đau ngực... Vị trí cắt không chảy máu, không bị hẹp. Người bệnh được ra viện sau 3 ngày và hẹn tái khám sau 2 tháng để đánh giá liền sẹo; điều trị dự phòng loét và hẹp thực quản.
Kết quả giải phẫu khối u thực quản cho thấy, người bệnh mắc ung thư biểu mô vảy giai đoạn sớm chỉ nằm trong lớp niêm mạc, chưa xâm lấn. Ung thư thực quản có tỷ lệ tử vong cao, với tỷ lệ sống thêm 5 năm thấp (dưới 20%), thời gian sống thêm trung bình 6 tháng-4 năm. Bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn do người bệnh chỉ đi khám khi có triệu chứng như nuốt nghẹn, nôn máu, gầy sút. Thăm khám và phát hiện ở giai đoạn sớm giúp điều trị khỏi bệnh hoàn toàn nhờ phương pháp ít xâm lấn.
Lục Bảo
* Tên người bệnh đã được thay đổi.