Trả lời:
Các bệnh lý đường tiêu hóa, nhất là ung thư phổ biến nhưng thường được phát hiện muộn do triệu chứng không rõ ràng, đặc trưng. Người bệnh được chẩn đoán ung thư trễ khiến điều trị gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí, giảm chất lượng và thời gian sống.
Ung thư đường tiêu hóa thường gặp nhất là ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng và ung thư thực quản. Các tổn thương tiền ung thư giới hạn ở niêm mạc thường xuất hiện trước nhiều năm trước khi biểu hiện triệu chứng. Do đó, nội soi có thể giúp phát hiện sớm, điều trị triệt căn bằng phương pháp cắt hớt niêm mạc (ERM) hoặc cắt tách niêm mạc (ESD).
Nội soi tiêu hóa là phương pháp ít xâm lấn, được xem là "tiêu chuẩn vàng" giúp chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa nhờ camera phóng đại với ánh sáng dải tần hẹp. Để thực hiện nội soi tiêu hóa, bác sĩ sử dụng ống nội soi mềm có gắn camera ở đầu ống đưa vào bên trong đường tiêu hóa giúp phát hiện và điều trị những tổn thương nhỏ, có thể lấy mẫu sinh thiết tìm tế bào ung thư, lấy mẫu mô chẩn đoán vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori)...
Thông qua nội soi, bác sĩ phát hiện các bất thường trong lòng ống tiêu hóa, xác định vị trí, kích thước, tính chất bề mặt của tổn thương, polyp ở dạ dày, đại trực tràng. Bác sĩ có thể thực hiện cắt polyp và loại bỏ tổn thương ngay khi nội soi. Với các trường hợp xuất huyết tiêu hóa, nội soi còn có vai trò cấp cứu để cầm máu...
Kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi (ESD) ít xâm lấn hỗ trợ bác sĩ cắt tách lấy trọn các tổn thương như loạn sản, ung thư sớm, polyp hay u dưới niêm mạc, bảo tồn ống tiêu hóa. Người bệnh không phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn, phức tạp. Quá trình điều trị, theo dõi bệnh đơn giản, kéo dài sự sống, khả năng khỏi bệnh cao, đảm bảo sức khỏe và chất lượng sống cho người bệnh.
Trong những trường hợp cần đánh giá kích thước và cấu trúc của tổn thương, bác sĩ sử dụng đầu dò siêu âm gắn ở đầu dây nội soi. Kỹ thuật này góp phần xác định tình trạng tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa, phát hiện ung thư sớm khi khối u còn nằm trong lớp niêm mạc. Độ chính xác của siêu âm qua nội soi được đánh giá cao so với các phương tiện chẩn đoán khác như cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ.
Đối với ung thư thực quản, siêu âm nội soi giúp bác sĩ đánh giá sự xâm lấn của khối u tới các lớp bên trong thành thực quản, từ đó xác định chính xác giai đoạn bệnh, đồng thời phát hiện di căn. Đối với ung thư dạ dày và đại trực tràng, siêu âm nội soi hỗ trợ chẩn đoán phân chia giai đoạn, phát hiện và phân biệt các khối u dưới niêm mạc, các hạch di căn gần và các hạch lân cận với khối u, sự xâm lấn của khối u ở các cơ quan xung quanh.
Thời gian nội soi dạ dày khoảng 10-15 phút, nội soi đại tràng 15-20 phút. Với các trường hợp có can thiệp, thời gian làm thủ thuật có thể kéo dài hơn. Người bệnh hồi tỉnh hoàn toàn khoảng 5-10 phút sau nội soi. Bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa, đầy đủ máy móc, thiết bị siêu âm hiện đại và nội soi theo chỉ định của bác sĩ. Nội soi giúp phát hiện bệnh sớm (nếu có), điều trị kịp thời.
Người bệnh khi có triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài, thường xuyên chán ăn, đau chướng bụng, thiếu máu, mệt mỏi, sụt cân... nên đi khám, nội soi khi có chỉ định. Người có yếu nguy cơ cần nội soi định kỳ gồm tiền sử gia đình có người ung thư dạ dày hoặc đại tràng, viêm teo niêm mạc dạ dày, nhiễm khuẩn HP, dị sản ruột, tiền sử nhiều polyp hoặc polyp tuyến, hút thuốc lá nhiều, uống rượu bia quá mức.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh
Trưởng khoa Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |