Dù đã có nhiều tiến bộ nhưng ở Việt Nam vẫn tồn tại một số hình thức phân biệt đối xử tại nơi làm việc, phổ biến nhất là phân biệt tuổi tác. Cơ hội việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm 18-25 tuổi với 41%, nhóm 26-35 tuổi với 35%, còn nhóm từ 35 tuổi trở lên là 24%. Rất nhiều lao động phàn nàn chuyện khó xin việc vì tuổi tác.
Nói về thực trạng xin việc ở Việt Nam, độc giả Duy Tran chia sẻ: "Có quá nhiều sự bất cập trong câu chuyện tìm việc làm và tuyển dụng tại nước ta. Khi phỏng vấn, người trẻ thường bị đòi hỏi kinh nghiệm, nhưng thử hỏi sinh viên ra trường thì lấy đâu ra kỹ năng với kinh nghiệm? Trong khi đó, người từng kinh qua các vị trí công việc khác nhau, có bề dày kinh nghiệm thì lại bị hạn chế bởi tuổi tác do nhiều sếp trẻ có tư duy sợ bị soán ngôi.
Thử hỏi, một thị trường lao động không có chuẩn đánh giá như vậy thì lấy đâu ra mọi thứ vào guồng chất lượng? Vấn đề ngay từ đầu chính là tư duy của người tuyển dụng. Chẳng lẽ cứ trẻ là trưng dụng dù không kinh nghiệm và để công ty đi vá lỗi cho họ và mất thời gian quản lý, còn người kinh nghiệm thì lại ngại tuổi nên không nhận?
Tuổi tác không phải vấn đề quan trọng nếu người lao động có sức khỏe đủ điều kiện và có khả năng tiếp nhận công việc. Đừng giữ tư duy lối mòn này mà làm mòn cả hệ sinh thái lao động, hệ lụy là chúng ta chỉ có mới mà không có chất lượng".
>> 'Xin việc ở Việt Nam căng thẳng hơn nước ngoài'
Đồng quan điểm, bạn đọc Tran Gia chỉ ra những hạn chế trong thị trường tuyển dụng ở Việt Nam khiến người lao động thiệt thòi: "Tuyển thế hệ Gen Z thì nhiều nhà tuyển dụng than trời vì họ thiếu kinh nghiệm, không gắn bó, không có trách nhiệm công việc. Nhưng những người trên 35 tuổi thì lại bị chê già, không năng động, sáng tạo... Cuối cùng, tôi không hiểu các sếp doanh nghiệp vậy giờ cần gì?
Doanh nghiệp Việt mãi ì ạch cũng chính vì những người lãnh đạo quá cố chấp, không lắng nghe góp ý của nhân sự, cứ cho là mình đúng nhưng quên mất sức mạnh của tập thể. Tôi chưa bao giờ ngại khi nghe ý kiến phản biện nhân viên lâu năm, điều quan trọng là sếp phải đủ trình độ để chắt lọc những cái nào có ích cho công ty để thay đổi mình.
Hiện nay, tôi thấy cách nhìn nhận của xã hội đang hơi lệch lạc khi một số công ty hạn chế tuyển dụng nhân viên ngoài 40 tuổi. Ở Việt Nam, để học xong Đại học phải trên 23 tuổi. Như vậy, với tư duy tuyển dụng như hiện nay, bạn chỉ có 17 năm để đi làm? Chưa kể sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm, vốn sống và tính cách còn xốc nổi nên cũng bị chê nhiều. Vậy thì tuổi nào mới chững chạc để có đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tuyển dụng?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.