Tôi là chủ một doanh nghiệp nhỏ, đã nghỉ hưu. Nhân câu chuyện nhảy việc đang gây tranh luận thời gian gần đây, tôi xin có một vài tâm tư muốn chia sẻ với các bạn trẻ. Suốt quá trình hơn 30 năm hoạt động, tôi cũng có không ít lần phải đau đầu, vất vả tìm các đối phó với chuyện nhảy việc của nhân viên mình quản lý.
Với những doanh nghiệp nhỏ, quy mô dưới 100 nhân viên như chúng tôi, nhiều khi không kịp trở tay khi có người nghỉ đột xuất, nhất là trong trường hợp đó lại là một số vị trí ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cả doanh nghiệp (vì doanh nghiệp nhỏ ít có nhân sự dự phòng). Những lúc đó, nếu người đứng đầu doanh nghiệp không có bản lĩnh, giỏi xoay xở thì đôi khi hậu quả và thiệt hại sẽ là rất lớn.
Ở đây, chúng ta phải xác định rõ ràng một điều rằng quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động luôn là bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Bạn cần doanh nghiệp, và ngược lại doanh nghiệp cũng rất cần bạn. Thế nên, trước khi bạn xin vào làm ở bất cứ tổ chức nào, người lao động cũng phải tìm hiểu thật kỹ về doanh nghiệp.
Điều tối thiểu, bạn cũng phải biết: công việc, chế độ, định hướng, văn hóa của doanh nghiệp đó thế nào, có phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của mình hay không? Chứ không phải cứ nhắm mắt xin vào làm rồi dăm bữa nửa tháng mới kêu thất vọng này nọ rồi xin nghỉ.
>> Tầm nhìn ngắn hạn của những người ham nhảy việc
Là một doanh nghiệp tư nhân, tôi chưa bao giờ quỵt lương của bất kể nhân viên nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Kể cả thời gian các bạn nhân viên mới đến thử việc (tìm hiểu công việc tại các điểm của đơn vị), tôi cũng trả lương đầy đủ theo chế độ của công ty. Thường thì các bạn sẽ có hai ngày qua trực tiếp nơi làm việc để tìm hiểu thực tế công việc, nếu thấy hài lòng, đồng ý với thỏa thuận chung thì các bạn mới chính thức vào làm ở doanh nghiệp.
Sau đó, tôi sẽ cho các bạn hai tháng thử việc có lương, đủ một năm thì được xét nâng lương. Từ sau một năm trở lên, cứ ai làm tốt là tôi xét thưởng và nâng lương không kể thời gian. Tôi được biết, các doanh nghiệp như chúng tôi thường xét thành tích theo hiệu quả công việc và đạo đức nghề nghiệp. Tiền không phải là tất cả, ngoài việc kiếm tiền tôi còn kiếm con người.
Nhiều người từ công ty tôi ra đi đều đã rất thành công (tất nhiên là so với năng lực của họ) và tất cả những người đó đều có thâm niên từ 5 năm trở lên. Trong quá trình làm việc, có lúc các bạn thấy bức xúc, bất công, nhưng luôn mạnh dạn trao đổi giải quyết rõ ràng để giải tỏa căng thẳng và thấu hiểu nhau thêm. Các bạn chỉ quyết định rời đi khi thấy không thể dung hòa lợi ích đôi bên, hoặc cần không gian mới cho sự phát triển của bản thân mình (doanh nghiệp nhỏ thì không thể tránh khỏi những giới hạn của sự phát triển). Tôi cho rằng đó là một sự chia tay văn minh và luôn sẵn lòng tạo điều kiện cho họ.
Tóm lại, tôi luôn quan niệm rằng, tài sản quý nhất của công ty là con người, nên chắc chắn doanh nghiệp sẽ đối xử với các bạn công bằng, trân trọng nhất có thể. Còn nếu ai có tư tưởng xem nơi làm việc chỉ là "chợ tạm", thì chắc chắn sẽ bị đào thải trong thời gian sớm. Mong các bạn trẻ suy xét thật kỹ trước khi đưa ra quyết định nhảy việc.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.