Thứ năm, 17/1/2019, 12:15 (GMT+7)

Nỗ lực dọn đường cho thượng đỉnh Trump - Kim lần hai của Triều Tiên

Tướng Triều Tiên đến Mỹ là dấu hiệu hai bên khôi phục đàm phán hạt nhân và ông có thể yêu cầu Washington nới lỏng trừng phạt.

KIm Yong Chol (đi phía trước) tại Bắc Kinh hồi năm ngoái. Ảnh: Reuters.

KIm Yong Chol (đi phía trước) tại Bắc Kinh hồi năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Tướng Kim Yong Chol, nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Triều Tiên và từng là trùm tình báo, dự kiến gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 18/1. Tướng Kim cũng có thể gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng. Sau cuộc hội đàm ở Washington, Stephen Biegun, phái viên phụ trách Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ, dự kiến tới Thụy Điển để đàm phán với Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui.

Đây là những cuộc gặp cấp cao đầu tiên của hai bên trong ba tháng, cho thấy hai bên đang phục hồi các cuộc đàm phán hạt nhân. Tháng 10 năm ngoái Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng. Một tháng sau, Triều Tiên đột ngột hủy gặp với Pompeo. Các cuộc đàm phán bị bế tắc kể từ đó.

Sang năm nay, quan hệ hai nước cải thiện sau khi Kim Jong-un nói trong bài phát biểu năm mới rằng ông sẵn sàng gặp lại Tổng thống Mỹ bất cứ khi nào và Triều Tiên sẽ không sản xuất vũ khí hạt nhân.

Trong những tuần gần đây, Triều Tiên tìm cách nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế đã bóp nghẹt nền kinh tế. Trong khi đó, Nhà Trắng tuyên bố giữ nguyên các lệnh trừng phạt cho đến khi có thể xác minh rằng Triều Tiên đã tháo dỡ vũ khí hạt nhân.

Joshua Pollack, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California, cho biết nhiệm vụ của tướng Kim dường như nhằm thay đổi lập trường của Mỹ về các biện pháp trừng phạt.

Có vẻ như Triều Tiên đang hy vọng có thể khiến người Mỹ thay đổi lập trường không khoan nhượng rằng "không thể nới lỏng trừng phạt trước khi phi hạt nhân hóa". Nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Trump dường như là cách tốt nhất và duy nhất để đạt được điều đó, Pollack đánh giá.

Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm của tướng Kim nhằm dọn đường cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai của Trump và Kim sau hội nghị lịch sử ở Singapore tháng 6 năm ngoái. Truyền thông Mỹ, Nhật, Hàn đưa tin các địa điểm được cân nhắc chọn làm nơi tổ chức bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Hawaii.

Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

"Bình Nhưỡng sẽ cố gắng giữ vũ khí hạt nhân càng lâu càng tốt", có thể bằng cách giả vờ đồng ý phi hạt nhân hóa hay nhắm đến một thỏa thuận hạn chế không làm mất hoàn toàn năng lực hạt nhân, Duyeon Kim, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, đánh giá. 

Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha ở Seoul, cho rằng Mỹ có thể theo đuổi một thỏa thuận bắt buộc Triều Tiên ngừng sản xuất đầu đạn hạt nhân, vật liệu phân hạch và tên lửa trên con đường tiến tới phi hạt nhân hóa. Đổi lại, Mỹ có thể nới lỏng một số lệnh trừng phạt.

Theo Shin Beom-chul, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chính sách Asan có trụ sở tại Seoul, Triều Tiên có thể đưa ra nhượng bộ là loại bỏ tất cả tên lửa tầm xa có thể vươn đến Mỹ.

"Điều đó có thể đủ để giúp Bình Nhưỡng được nới lỏng trừng phạt nhưng vẫn khiến các đồng minh của Mỹ như Seoul và Tokyo trong tầm nguy hiểm", Shim bình luận.

Phương Vũ

 

Chia sẻ bài viết qua email