BS.CKII Lê Thanh Hùng, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, nhiều mẹ bầu dự sinh vào dịp Tết không tránh khỏi tâm lý lo lắng về phòng sinh, dịch vụ chăm sóc sau sinh và các tiện ích chăm sóc mẹ và bé trong dịp Tết...
Theo bác sĩ Hùng, thai phụ có dự sinh vào những ngày cận Tết, trong Tết cần tuân thủ khám thai đúng hẹn, tuân thủ đúng những hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Mẹ bầu nên chọn bệnh viện sinh và bác sĩ trực tiếp đỡ sinh cho mình, đồng thời, hoàn tất hồ sơ sinh trong tuần thứ 36 của thai kỳ. Những ngày trước Tết nên đi thăm khám để được làm các kiểm tra như xét nghiệm tổng quát, tổng phân tích nước tiểu, vi sinh hóa đông máu, siêu âm, chạy máy Monitor theo dõi tim thai cũng như theo dõi cơn co của mẹ.
Với những mẹ bầu có tiền sử sinh non hoặc gặp những bất thường trong quá trình mang thai, cần thăm khám trước Tết để được chẩn đoán, tiên lượng những nguy cơ, cũng như hướng dẫn cách xử trí trong những ngày Tết để "mẹ tròn con vuông".
"Mẹ bầu cũng nên chuẩn bị đầy đủ giấy tờ khám thai, kết quả siêu âm, bản photo hộ khẩu, chứng minh thư, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm sức khỏe... để mang đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh" - bác sĩ Hùng nói.
![Bác sĩ Lê Thanh Hùng trong một ca sinh mổ tại BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Tuệ Diễm.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/01/20/lam-bon-ngay-Tet-6182-1674179715.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nhcZ6aYxImMUDL2fbQNdFw)
Bác sĩ Lê Thanh Hùng trong một ca sinh mổ tại BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Tuệ Diễm.
Bác sĩ Lê Thanh Hùng chia sẻ các dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu cần để ý, bao gồm:
Cơn gò tử cung xuất hiện từ thưa thớt đến dồn dập: Gần đến ngày dự sinh, tử cung sẽ tạo ra những cơn gò để kích thích cổ tử cung giãn ra, tạo điều kiện cho thai nhi lọt lòng. Ban đầu, cơn gò có thể đau như chuột rút trong kỳ kinh nguyệt, sau đó trở nên mạnh hơn khi đến gần ngày sinh. Nếu mẹ bầu thấy các cơn gò mạnh hơn, đều đặn và dồn dập hơn, rất có thể mẹ bầu sắp hoặc đang chuyển dạ.
Đau lưng: Bên cạnh cơn gò, đau lưng là hiện tượng phổ biến, báo hiệu bé yêu sắp lọt lòng. Cơn đau thường bắt đầu ở lưng và di chuyển ra phía trước cơ thể. Ngoài ra, mẹ bầu có thể bị chuột rút.
Vỡ ối: Khi gần đến thời điểm sinh, túi ối có xu hướng vỡ, mẹ bầu sẽ thấy một dòng chất lỏng chảy xuống chân hoặc chỉ có một vài giọt rỉ ra từ âm đạo. Mẹ bầu cần được đưa ngay đến bệnh viện với dấu hiệu này.
Bật nút nhầy cổ tử cung: Khi mang thai sẽ có một chất nhầy chặn ở cổ tử cung để bảo vệ thai nhi nằm bên trong. Khi cổ tử cung trở nên mềm và lớn hơn để chuẩn bị cho quá trình sinh nở, nút nhầy này sẽ nới lỏng và tụt ra ngoài. Nút nhầy có hình dạng như một chất dịch tiết có màu hồng hoặc nâu, và đặc như cục máu đông trong kỳ kinh nguyệt.
Cổ tử cung mở từ từ: Để thai nhi thuận tiện di chuyển ra ngoài, cổ tử cung phải mỏng đi và mở lớn hơn. Vì thế, nếu mẹ bầu nghe bác sĩ thông báo cổ tử cung đã mở 2cm, 4cm... đó chính là lúc mẹ bầu chính thức bước vào quá trình sinh con. Mẹ bầu có thể rặn sinh khi cổ tử cung giãn ít nhất 10cm.
Thúy Nguyễn