Triệu chứng nhiễm giun sán liên quan tới số lượng giun. Trường hợp nhiễm giun số lượng ít (vài con) thường không bị nhiễm trùng và ít gây ra các triệu chứng đáng kể. Tuy nhiên, khi giun nhiều, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, suy dinh dưỡng, suy nhược và giảm phát triển về thể chất. Giun phát triển quá mức có thể gây tắc ruột và người bệnh cần can thiệp phẫu thuật.
Giun sán lây qua tiếp xúc đất, qua trứng giun và tiếp xúc phân của người nhiễm giun. Giun trưởng thành sống trong ruột có thể sinh ra hàng nghìn quả trứng mỗi ngày. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người nên tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần.
Dược sĩ Phan Thị Khánh Ngọc (khoa Dược - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết ngoài các thuốc tẩy giun hiệu quả cao, nhiều vị thuốc tự nhiên như hạt bí ngô, cây xoan... cũng cho kết quả khả quan.
Sử quân tử
Sử quân tử là một loại dây leo. Lá mọc đối, đơn, nguyên, hình trứng đầu nhọn, phía cuống hơi tròn hình tim, cuống ngắn. Hoa hình ống, lúc đầu màu trắng, sau chuyển hồng và đỏ, mọc thành chùm ở lẽ lá hoặc đầu cành. Quả khô, hình trứng nhọn, có chứa một hạt dài phía dưới hơi rộng, phía đầu hơi mỏng, có 5 đường sống chạy dọc. Cây mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền Bắc và miền Trung nước ta.
Hiện nay, cây được trồng làm hoa kiểng nhiều ở các hộ gia đình. Hoa nở từ tháng 4-7, tháng 8 quả chín, hái về phơi hay sấy khô nguyên quả dễ bảo quản, khi dùng đập lấy nhân. Nhiều nơi, người dân thu hái đập lấy nhân phơi khô để trữ, nhưng có nơi hái hoa đào rễ về làm thuốc.
Dược sĩ Khánh Ngọc cho biết, sử quân tử có vị ngọt, tính ôn, không có độc. Vị thuốc này thường được dùng để chữa giun đũa với liều 3-5 nhân sử quân tử cho trẻ em và 10 nhân cho người lớn, tối đa 20 g. 3 giờ sau khi uống hết nên uống một liều thuốc tẩy, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc giun khác như binh lang (hạt cau) và thuốc tẩy (đại hoàng).
Theo đơn thuốc có sử quân tử trong sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố GS.TS Đỗ Tất Lợi, nhân sử quân tử sao cho vàng thơm và giòn, tán nhỏ hai phần, thóc ngâm cho nảy mầm sao vàng nửa phần. Tất cả tán nhỏ, trộn đều và sấy khô, có thể thêm đường vào đóng thành bánh. Dùng cho trẻ bị giun, gầy còm, kém ăn, ăn không tiêu, da vàng, miệng hay chảy nước dãi. Ngày uống 1-2 thìa cà phê bột này, hòa vào nước cháo hoặc mật ong.
Keo giậu
Cây keo giậu là cây nhỡ không gai, cao 2-4 m. Lá hai lần kép lông chim, có cuống chung dài 12-20 cm. Hoa trắng nhiều, hợp thành hình cầu có cuống. Quả giáp dài 13-14 cm, rộng 15 mm. Hạt dẹt, quả có khoảng 15-20 hạt. Cây mọc hoang, được trồng khắp nơi ở nước ta làm hàng rào. Khi quả chín lấy về đập lấy hạt phơi hay sấy khô. Dược sĩ Khánh Ngọc chia sẻ, hạt keo làm thuốc chữa giun với liều 10-15 g cho trẻ nhỏ, có thể uống 25-50 g đối với người lớn, uống vào lúc đói.
Cây xoan
Xoan được trồng nhiều nơi trong nước ta, to cao, có vỏ thân xù xì. Vỏ rễ và vỏ thân xoan được áp dụng chữa giun từ lâu đời, thường trị giun kim và giun đũa. Tuy nhiên, vì cây xoan có chứa chất độc, người bệnh nên tham khảo ý kiến dược sĩ trước khi dùng.
Dược sĩ Khánh Ngọc hướng dẫn, vỏ xoan bóc ra, cạo bỏ lớp vỏ nâu bên ngoài, chỉ lấy lớp vỏ lụa. Sao vàng cho đỡ mùi hăng rồi tán nhỏ, chia thành từng gói một gam. Liều dùng cho trẻ dưới một tuổi (0,15-0,2 g một ngày), trẻ 2 tuổi (0,2-0,25 g một ngày), trẻ từ 3 tuổi (0,25-0,35 g một ngày), trẻ từ 4 tuổi (0,35-0,5 g một ngày), trẻ từ 5 tuổi (0,7-1 g một ngày), trẻ từ 10 tuổi trở xuống (1-1,5 g một ngày), trẻ từ 15 tuổi trở xuống (1,5-2 g một ngày). Người lớn có thể uống 2-3 g bột, uống liền vào sáng sớm lúc đói, liên tiếp 3 ngày.
Bạn có thể sắc vỏ xoan đã cạo, thái nhỏ, phơi khô cho bớt hăng; sắc 4 nước, mỗi lần đun sôi và giữ sôi 1,5 đến 2 giờ. Cô các nước sắc lại cho có trọng lượng bằng vỏ ban đầu. 1 kg vỏ thì cô còn 1 lít, sau đó thêm 1 lít siro đơn trộn đều. 1 đến 2 tuổi uống 20 ml tương ứng với 10 g vỏ khô, 3 -5 tuổi uống 30 ml tương ứng 15 g vỏ khô, 6-9 tuổi dùng 40 ml tương ứng với 20 g vỏ khô, 16-19 tuổi là 65 ml tương ứng 32,5 g vỏ khô, 19 tuổi trở lên uống 75-80 ml tương ứng 37,5-40 g vỏ khô. Lưu ý uống một lần vào sáng sớm lúc đói, nhịn ăn đến trưa thì ăn uống bình thường.
Hạt bí ngô
Hạt bí ngô có tác dụng chữa giun sán không mạnh nhưng không gây độc cho cơ thể. Hạt bí ngô để cả vỏ cứng giã hoặc xay nhỏ bằng cối xay thịt, thêm nước và đun lửa nhẹ hoặc đun cách thủy trong 2 giờ, lọc qua gạc và hớt bỏ lớp dầu ở trên mặt, có thể thêm đường.
Uống hết trong khoảng 20-30 phút vào lúc đói. 2 giờ sau khi dùng thuốc, uống thêm một liều thuốc tẩy muối mua ở nhà thuốc. Người lớn uống 300 g hạt để cả vỏ, trẻ em dưới 5 tuổi dùng 50-70 g, trẻ 5-7 tuổi dùng 100 g, trẻ 7-10 tuổi dùng 150 g.
Thạch lựu
Cây thạch lựu cao chừng 3-4 m. Lá dài, nhỏ, mềm mỏng, đơn. Quả to bằng nắm tay, đầu quả có 4-5 lá đài. Vỏ dày, ngoài da sắc lục, khi chín có màu vàng đỏ lốm đốm.
Thạch lựu được trồng khắp nơi để làm cảnh và lấy quả. Vỏ bóc phơi khô để dành, dùng càng sớm càng tốt. Vị thuốc chữa giun sán này không dùng cho thai phụ và trẻ em. Khi dùng vỏ lựu khô đem tán thành bột, ngâm nước rồi sắc uống.
Cây cau
Cây cau có thân mọc thẳng cao 15-20 m, đường kính 10-15 cm. Toàn thân không có lá, chỉ có một chùm lá ở ngọn. Hạt hơi hình nón cụt, đầu tròn giữa hơi lõm, màu nâu nhạt, vị chát. Cây được trồng khắp nơi ở nước ta.
Dung dịch hạt cau có tác dụng độc đối với thần kinh của sán, làm tê bại các cơ trơn của chúng. 20 phút sau khi thuốc vào tới ruột, con sán sẽ bị tê liệt, không còn khả năng bám vào thành ruột. Khi dùng chữa sán, bạn nên kết hợp với hạt bí ngô.
Mặc nưa
Cây mặc nưa cao 10-20 m. Lá mọc so le, hình trứng dài, nguyên, mặt dưới mờ, mặt trên nhẵn, phiến lá dài 5,5-13 cm. Quả hình cầu, đường kính 20-30 mm. Mỗi quả chứa 3-6 hạt. Cây được trồng chủ yếu ở miền Nam. Mặc nưa ít độc, có tác dụng trừ giun do có chất diospyron, ngoài ra còn có tác dụng kháng sinh nhẹ. Đơn thuốc chữa giun có mặc nưa ăn 6-10 hạt một ngày.
Anh Đài