Dưới đây là những câu hỏi thường gặp của độc giả được bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Thanh Trúc (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) giải đáp.
- Mỗi khi tập thể dục, tim tôi đập rất nhanh, dường như có thể nghe được tiếng tim đập. Như vậy, tôi có nên tập tiếp hay không? (Ngân Kim)
Trả lời: Mỗi người sẽ có ngưỡng giới hạn nhịp tim nhất định. Công thức tính cơ bản: 220 - số tuổi hiện tại. Ví dụ bạn 20 tuổi thì nhịp tim tối đa là 200-20=200. Từ đó, người tập có thể biết được giới hạn chịu đựng của bản thân. Nhịp tim tăng quá nhanh trong quá trình tập hay khởi động cũng là một trong nhưng dấu hiệu cần dừng lại. Nếu chờ một lúc, nhịp tim bình thường trở lại, tình trạng chỉ thoáng qua, bạn có thể tiếp tục theo dõi. Nhưng nếu tim vẫn đập nhanh kéo dài sau đó, bạn cần tới bác sĩ kiểm tra.
- Mẹ tôi năm nay 70 tuổi, có bệnh nền tim mạch và nong hai động mạch vành được 6 năm. Dạo gần đây, chân mẹ tôi sưng to giống như bị khớp nhưng tự lành. Trường hợp này là bệnh xương khớp hay biến chứng tim mạch? Mẹ tôi phải điều trị thế nào? (Quỳnh Chi)
Trả lời: Thông thường, khi thăm khám bệnh sử của bệnh nhân, chúng tôi cần xem cả các xét nghiệm cũ. Tuy nhiên, chứng sưng phù khớp mắt cá chân như vậy có thể liên quan tới suy tim. Đó là những dấu hiệu thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh mạch vành. Bạn nên đưa mẹ đi khám để các bác sĩ chẩn đoán chính xác và kê thuốc điều trị hiệu quả.
- Tôi 28 tuổi, thường bị khó thở, thở nặng nhọc, thỉnh thoảng phải thở bằng miệng, kèm theo nhói tim nhẹ. Tôi từng được chẩn đoan hở van tim ba lá 1/4, đau cổ vai gáy, thoái hóa đốt sống cổ và lệch xương sườn bên trái gần tim. Các bệnh này có phải nguyên nhân dẫn tới các triệu chứng trên và tôi cần điều trị ra sao? (Vi Vi)
Trả lời: Hở van ba lá 1/4 không phải dấu hiệu nặng của một bệnh lý thực thể trong tim mạch. Ngoài những nguyên nhân bạn vừa chia sẻ, tôi khuyên bạn nên thực hiện khám chuyên khoa để loại trừ khả năng mắc các bệnh tim khác như rối loạn nhịp tim. Bạn có thể khám online hoặc tới trực tiếp bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm như điện tâm đồ, siêu âm tim... Nếu cần thiết, các bác sĩ sẽ cho bạn gắn holter để theo dõi nhịp tim. Thông thường, trong chẩn đoán bệnh tim mạch, các bác sĩ sẽ cần loại trừ khả năng mắc bệnh nặng trước khi xử lý các triệu chứng, bệnh lý nhẹ.
- Sau thay van tim, bệnh nhân có thể tập thể dục hay không? Nếu có, người bệnh có thể tập các bài nào, nhất là trong thời gian giãn cách? (Đăng Quang Trương)
Trả lời: Trong quá trình phục hồi chức năng tim mạch sau thay van, tập luyện là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, việc này cần tùy vào khả năng thể lực, diễn tiến và mức độ bệnh của mỗi người. Trong thời kỳ giãn cách xã hội, chúng ta nên đặt chuyện cải thiện sức khỏe tinh thần lên hàng đầu, thay vì tập luyện thể chất. Bệnh nhân có thể trò chuyện cùng người thân nhiều hơn, nghe nhạc, đọc sách, làm việc nhà đơn giản... Đồng thời, người bệnh cũng cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp với thể trạng.
- Tôi năm nay 55 tuổi, bị bệnh mạch vành nhiều năm và gần đây có dấu hiệu suy tim. Với trường hợp của tôi, hình thức tập luyện nào là phù hợp? (Trần Hoàn)
Trả lời: Suy tim có nhiều giai đoạn, do đó, chúng ta cần có chế độ tập luyện tùy theo mức độ bệnh. Nếu ở giai đoạn ổn định (1-2), chúng ta có thể dùng thuốc và tập luyện nhẹ như đạp xe tại chỗ, đi bộ, bơi lội... Nếu ở giai đoạn 3-4 (suy tim cấp), bạn không nên vận động, chỉ cần đi lại trong nhà và tập thở. Sau giãn cách, người bệnh có thể tới thăm khám trực tiếp và nhận tư vấn về bài tập phục hồi.
- Tôi thay van tim được 6 tháng, hiện muốn vận động để tăng cường sức khỏe? Tôi có thể tập luyện không và nên lưu ý gì? (Louis Trần)
Trả lời: Bệnh nhân tim mạch cần tập luyện theo nguyên tắc: vận động trước trong 15 phút để làm ấm cơ thể, thực hiện động tác nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nếu đau ngực, khó thở, vã mồ hôi, chóng mặt, người tập cần ngừng lại ngay và tới gặp bác sĩ. Đó là những biểu hiện của cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Đồng thời, người bệnh chú ý uống thuốc đúng và đủ liều lượng, chế độ dinh dưỡng hợp lý và uống đủ nước. Người mắc bệnh tim trong giai đoạn giãn cách chỉ nên tập cường độ thấp như đi lại trong nhà, các động tác dưỡng sinh...
Thiên Minh