Ung thư dạ dày là tình trạng xảy ra khi các tế bào trong niêm mạc dạ dày thay đổi và phát triển ngoài tầm kiểm soát, hình thành khối u. Triệu chứng của bệnh thường không biểu hiện rõ rệt ở giai đoạn đầu và dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Đây cũng là lý do vì sao ung thư dạ dày thường được chẩn đoán khi đã tiến triển đến giai đoạn muộn. Dưới đây là một số triệu chứng mà bệnh nhân ung thư dạ dày có thể gặp phải.
Máu trong phân
Phân có máu là một trong những triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xảy ra do các vấn đề khác trong đường tiêu hóa, không phải ung thư. Màu sắc của máu thường cung cấp thông tin quan trọng về nguyên nhân gây chảy máu trong phân.
Máu đỏ tươi trong phân nhìn chung không phải là dấu hiệu của ung thư dạ dày. Máu có màu đỏ tươi cho thấy tình trạng chảy máu xảy ra gần trực tràng (đoạn cuối của ống tiêu hóa, gần hậu môn). Ngược lại, phân có màu đen là dấu hiệu của tình trạng xuất huyết xảy ra ở phần trên của đường tiêu hóa và có thể là triệu chứng của ung thư dạ dày. Tình trạng này xảy ra khi hemoglobin (một protein trong tế bào hồng cầu) phản ứng lại với enzym tiêu hóa và vi khuẩn đường ruột.
Đau bụng
Đau bụng là một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh ung thư dạ dày. Bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu nhẹ kéo dài hoặc đau dữ dội. Cơn đau thường xảy ra ở phần bụng trên, có xu hướng nghiêm trọng hơn sau khi ăn. Tuy nhiên, vị trí đau không nhất thiết lúc nào cũng phản ánh nguồn gốc của cơn đau bởi cơ thể có nhiều cách truyền tín hiệu thần kinh đến não. Ngoài đau bụng, người bệnh ung thư dạ dày cũng có thể bị đau ở vị trí sau xương ức.
Buồn nôn hoặc nôn kéo dài
Tuy có nhiều nguyên nhân gây buồn nôn và nôn nhưng nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian dài có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng, bao gồm cả ung thư dạ dày. Bệnh nhân ung thư dạ dày còn có thể bị nôn ra máu. Chảy máu dạ dày cũng làm cho dịch nôn có kết cấu giống bã cà phê. Loại chảy máu này thường điển hình hơn khi ung thư dạ dày đã tiến triển sang giai đoạn nặng. Nếu buồn nôn hoặc nôn dai dẳng, nôn ra máu thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám.
Thay đổi thói quen đi tiêu
Ai cũng có thể gặp phải tình trạng thay đổi thói quen đi tiêu như tiêu chảy, táo bón ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, nếu các thay đổi này kéo dài dai dẳng có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư dạ dày. Ung thư có khả năng làm thay đổi quá trình tiêu hóa và dẫn đến những vấn đề như tiêu chảy, táo bón. Đồng thời, khối u ung thư lan rộng sẽ khiến đường ruột bị thu hẹp, dẫn đến táo bón hoặc làm tích tụ chất lỏng ở những đoạn hẹp trong ruột, dẫn đến tiêu chảy.
Ăn không ngon
Tình trạng chán ăn, ăn không ngon miệng kéo dài vài ngày có thể do các bệnh lý nghiêm trọng, trong đó có ung thư dạ dày. Ung thư sẽ làm thay đổi quá trình trao đổi chất trong cơ thể và làm tăng sản xuất các cytokine gây viêm. Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh có vai trò kiểm soát sự thèm ăn.
Bệnh nhân ung thư dạ dày cũng có thể cảm thấy nhanh no ngay khi vừa ăn vài miếng. Khối u phát triển trong dạ dày làm giảm kích thước chức năng của cơ quan này khiến chúng không thể chứa nhiều thức ăn và dẫn đến bệnh nhân nhanh no.
Tình trạng chán ăn, ăn không ngon miệng, mau no kéo dài làm giảm cân đột ngột không chủ ý, thường gặp ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Một người nếu bị giảm trên 5% trọng lượng cơ thể trong vòng ít hơn 6 tháng nhưng không ăn kiêng hay tập thể dục thì nên đến bệnh viện kiểm tra ngay. Giảm cân không rõ nguyên nhân là triệu chứng chính của ung thư giai đoạn cuối.
Đầy hơi và ợ nóng
Đầy hơi chướng bụng có thể do ung thư dạ dày, chủ yếu xảy ra sau các bữa ăn. Triệu chứng này dễ bị bỏ qua vì giống với biểu hiện của các vấn đề khác phổ biến hơn như khó tiêu, táo bón, kinh nguyệt... Ợ nóng thường liên quan đến các tình trạng như trào ngược axit dạ dày và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) nhưng cũng có thể là dấu hiệu của ung thư dạ dày.
Mệt mỏi kéo dài
Bệnh nhân ung thư dạ dày có thể bị mệt mỏi kéo dài do tình trạng mất máu trong phân gây thiếu máu. Viêm mạn tính, một hiện tượng phổ biến ở những bệnh nhân ung thư là nguyên nhân gây nên vấn đề này.
Biểu hiện mệt mỏi liên quan đến ung thư thường khác với mệt mỏi do kiệt sức, trầm cảm hoặc bệnh cấp tính. Loại mệt mỏi này sẽ không cải thiện dù bệnh nhân đã nghỉ ngơi hoặc áp dụng các biện pháp can thiệp thông thường. Tuy nhiên, dù có liên quan đến ung thư hay không thì tình trạng mệt mỏi dai dẳng không phải bình thường và cần được quan tâm, xử lý sớm.
Phương Quỳnh (Theo Verywellhealth)