Cảm lạnh là bệnh có thể tự khỏi sau. Tuy nhiên bệnh cũng có thể trở nặng trong một số trường hợp với các triệu chứng cảnh báo mà người bệnh có thể lưu ý như sau:
Ho kéo dài, sốt cao: Cảm lạnh kéo dài đến 3 tuần rất thường gặp. Khi những cơn ho kéo dài hơn 3 tuần có xu hướng đáng lo ngại, cảnh báo bệnh hen suyễn, viêm phổi hoặc một loại bệnh lý phổi khác. Khi sốt cao và ho nặng hơn, bạn nên đi khám.
Thở khò khè: Mặc dù ho là triệu chứng phổ biến của cảm lạnh nhưng nếu cơn ho đi kèm với thở khò khè hoặc tức ngực thì có thể là biểu hiện của cơn hen suyễn.
Màu sắc đờm thay đổi bất thường: Nước bọt, đờm đặc lại khi bị cảm lạnh là điều bình thường. Đó là do các tế bào bạch cầu đang cố gắng chống lại nhiễm trùng. Song, nếu đờm có màu lạ như vàng, nâu, xanh lá cây hoặc thậm chí máu thì đáng lo ngại.
Dị ứng, phát ban, sưng lưỡi: Có hơn một trăm chủng virus cảm lạnh. Mỗi loại có thể phổ biến hơn vào những thời điểm nhất định trong năm. Đó là lý do tại sao mọi người có thể nhầm cảm lạnh với dị ứng theo mùa. Theo Tổ chức Hen suyễn và Dị ứng Mỹ, các dấu hiệu khác của phản ứng dị ứng có thể bao gồm phát ban, sưng lưỡi, cảm thấy lâng lâng, đau bụng...
Đau tai, cổ họng, xoang: Người bệnh nên cẩn trọng nếu bị đau hoặc áp lực ở một bộ phận cụ thể trên cơ thể. Ví dụ, viêm họng liên cầu khuẩn gây đau ở cổ họng. Nhiễm trùng xoang có thể làm tổn thương đường mũi hoặc thậm chí ảnh hưởng cả răng. Ngoài ra còn có nhiễm trùng tai. Trường hợp người bệnh mất thính giác, đau dữ dội trong tai và có dịch tiết từ tai thì đó thì nên đến bệnh viện.
![Sốt cao, ho kéo dài không giảm.... là những triệu chứng cần khám bác sĩ. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/01/07/sick-6580-1673070560.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yTmg-ohHKWcmPbRVsyrg8g)
Sốt cao, ho kéo dài không giảm.... là những triệu chứng cần khám bác sĩ. Ảnh: Freepik
Cách giảm triệu chứng cảm lạnh
Các loại thuốc không kê đơn có thể giúp giảm bớt các triệu chứng cảm lạnh. Bạn nên đến bác sĩ để được kê đơn điều trị nếu bệnh trở nặng. Thuốc kháng sinh không giúp điều trị virus do cảm lạnh.
Để giảm triệu chứng bệnh, nên nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước, súc miệng bằng nước muối... Dưới đây là một số cách.
Uống đủ nước: Nước lọc, nước trái cây, nước canh giúp giảm tắc nghẽn và ngăn ngừa mất nước cho cơ thể. Người bệnh tránh uống rượu, cà phê và nước ngọt chứa caffein vì có thể làm cho tình trạng mất nước tồi tệ hơn.
Dùng mật ong: Mật ong có tác dụng giảm ho ở người lớn và trẻ em trên một tuổi. Người bị cảm lạnh có thể thử pha mật ong với trà nóng để uống.
Làm dịu cổ họng: Súc miệng bằng nước muối có thể tạm thời làm giảm đau hoặc ngứa cổ họng. Bạn cũng có thể thử dùng đá bào, viên ngậm, dung dịch xịt họng.
Chống nghẹt mũi: Thuốc xịt mũi và nước muối không kê đơn có thể giảm nghẹt mũi.
Giữ độ ẩm cho không khí trong phòng: Máy phun sương hoặc máy tạo độ ẩm có thể bổ sung độ ẩm cho ngôi nhà, giảm tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp. Gia đình nên lưu ý thay nước hàng ngày và vệ sinh thiết bị theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Kim Uyên
(Theo Women’s Health, Mayoclinic)