Đau họng là phản ứng của cơ thể đối với các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn. Phản ứng miễn dịch tự nhiên dẫn đến viêm và sưng màng nhầy trong cổ họng. Các triệu chứng đau và rát cổ họng, đặc biệt là khi nuốt rất khó chịu. Dưới đây là một số biện pháp tự nhiên có thể giúp bạn giảm đau tại nhà.
Mật ong
Mật ong có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và kháng khuẩn, có thể kết hợp với các nguyên liệu tự nhiên khác làm dịu cơn đau họng. Mật ong cũng giúp một số bài thuốc trở nên ngon, ngọt hơn. Bạn có thể pha mật ong với nước ấm và giấm táo hoặc các loại thảo mộc để uống khi đau họng. Tuy nhiên, cha mẹ lưu ý không sử dụng mật ong cho trẻ em dưới một tuổi vì có thể gây ngộ độc.
Nước chanh
Nước chanh là thức uống giải khát và có thể làm giảm cơn đau cổ họng khi bị cảm lạnh, cảm cúm. Chanh chứa vitamin C và các chất chống oxy hóa mạnh, chống lại chứng viêm và giảm stress oxy hóa. Loại quả này cũng làm tăng lượng nước bọt mà cơ thể sản xuất, giữ ẩm cho màng nhầy. Pha chanh với nước ấm và một chút mật ong hoặc nước muối giúp phát huy tối đa lợi ích trong việc giảm đau họng.
Trà gừng
Gừng có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau cổ họng. Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã phát hiện ra chiết xuất gừng có thể tiêu diệt một số vi khuẩn và virus gây bệnh đường hô hấp. Nó cũng có thể giảm viêm ở những người bị bệnh lao.
Trà gừng có bán các chợ và các trang thương mại điện tử, bạn có thể mua hoặc tự làm trà từ gừng tươi như gợi ý dưới đây.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Củ gừng tươi
- 1 lít nước
- 1 muỗng canh (21 gram) mật ong hoặc chất tạo ngọt tùy chọn
- Nước chanh vắt
Cách thực hiện:
- Gọt vỏ gừng rồi cho vào bát nhỏ, xay nhuyễn.
- Đun sôi nước trong một cái chảo lớn.
- Cho một muỗng canh gừng xay vào nồi và đậy nắp lại, đun trong 10 phút.
- Cho thêm mật ong và nước cốt chanh, sau đó khuấy đều.
Bạn có thể uống trà gừng nóng hoặc dùng lạnh.
Dầu dừa
Dầu dừa có thể chống nhiễm trùng và giảm viêm, bôi trơn các màng nhầy trong cổ họng. Bạn có thể thêm một thìa dầu dừa vào trà nóng hoặc ca cao nóng, thêm một thìa vào súp hoặc cho vào miệng để nó tan chảy và bao phủ cổ họng.
Khi sử dụng dầu dừa lần đầu tiên, bạn lưu ý dùng một muỗng cà phê (5 ml) mỗi lần để giảm thiểu các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Trà quế
Quế là loại gia vị thơm và ngon, có chất chống oxy hóa cao, kháng khuẩn. Trong y học, quế là một phương thuốc truyền thống để chữa cảm lạnh, bốc hỏa và viêm họng. Bạn có thể mua trà quế để uống hoặc làm sữa hạnh nhân quế làm dịu cổ họng.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 1 cốc sữa hạnh nhân
- 1/2 muỗng cà phê (2,5 ml) quế xay
- 1/8 muỗng cà phê (0,6 ml) muối nở
- 1 muỗng canh (15 ml) mật ong hoặc chất tạo ngọt tùy chọn
Cách thực hiện:
- Cho quế và muối nở vào nồi và trộn với nhau.
- Cho thêm một sữa hạnh nhân và trộn một lần nữa.
- Đun hỗn hợp cho đến khi sôi lăn tăn thì lấy ra khỏi bếp, thêm mật ong hoặc chất tạo ngọt.
Trà bạc hà
Trà bạc hà có chứa các hợp chất chống viêm và rất dịu cổ họng. Bạc hà cũng có thể làm tê nhẹ cổ họng, do đó giúp giảm đau. Trà bạc hà không chứa caffeine và có vị ngọt tự nhiên. Có rất nhiều loại trà thảo mộc bạc hà bày bán tại các cửa hàng. Nếu muốn pha trà bạc hà tại nhà thì bạn ngâm lá bạc hà tươi trong nước sôi khoảng 3-5 phút, sau đó lọc bỏ lá và uống.
Trà hoa cúc
Hoa cúc được sử dụng làm thuốc từ rất lâu. Các nghiên cứu cho thấy, hoa cúc có thể giúp ngủ ngon, góp phần chống lại nhiễm trùng và giảm đau. Giống như các loại trà thảo mộc khác, trà hoa cúc không chứa caffeine. Trà hoa cúc được bán rộng rãi và bạn có thể mua trà và pha uống.
Giấm táo
Giấm táo có thể chứa các chất axit axetic giúp chống lại vi khuẩn. Ông tổ của ngành y học phương Tây Hippocrates từng kết hợp giấm táo và mật ong để điều trị các triệu chứng cảm cúm, chẳng hạn như ho và đau họng. Để giảm đau cổ họng, bạn có thể uống một cốc nước ấm pha với một muỗng canh giấm táo và một muỗng canh mật ong.
Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối là cách phổ biến để giảm đau họng. Muối giúp giảm sưng, hỗ trợ tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong cổ họng. Bạn có thể pha cốc nước ấm với một thìa cà phê muối và khuấy cho tan. Bạn có thể ngậm một ngụm nước muối trong 30 giây mỗi tiếng một lần.
Rễ cây Marshmallow
Từ lâu chiết xuất từ cây thục quỳ (marshmallow) được sử dụng để cải thiện tình trạng viêm họng. Rễ của loại cây này có chứa một chất nhầy giống như gelatin có tác dụng bao phủ và bôi trơn cổ họng.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm viên ngậm có chứa rễ cây thục quỳ trên động vật và thấy chúng có hiệu quả, không độc hại, ngay cả ở liều lượng rất cao. Nó cũng có thể giúp làm dịu cơn ho khan. Dưới đây là gợi ý cách làm dịu cổ họng từ rễ cây thục quỳ.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 1 lít nước lạnh
- 28 gram rễ cây thục quỳ khô, lưu ý chọn rễ khô chất lượng cao, bán ở địa chỉ uy tín
Cách thực hiện:
- Đổ nước lạnh vào lọ.
- Đặt rễ cây thục quỳ vào vải thưa và buộc thành một bó, cho xuống nước đến khi ngập hoàn toàn.
- Đậy nắp lọ và vặn chặt.
- Để qua đêm ít nhất 8 giờ, đổ nước vào ly, có thể cho một ít đường, uống từng ngụm trong ngày.
Cây xô thơm và hoa cúc tím
Cây xô thơm (Sage) là một loại thảo mộc phổ biến dùng trong nấu nướng, nhưng nó cũng có một số công dụng chữa bệnh. Loại cây này có thể cải thiện nhiều tình trạng viêm và các nghiên cứu cho thấy nó giúp giảm đau cổ họng.
Hoa cúc tím (Echinacea) là một loại thảo mộc khác trong y học cổ truyền có tác dụng chống lại vi khuẩn, giảm viêm.
Dưới đây là gợi ý cách làm dung dịch nước xịt họng từ cây xô thơm và hoa cúc tím.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 1 muỗng cà phê cây xô thơm
- 1 muỗng cà phê hoa cúc tím
- 1/2 cốc nước
Cách thực hiện:
- Đun sôi nước.
- Cho cây xô thơm và hoa cúc tím vào một bình nhỏ, sau đó đổ nước sôi vào.
- Để nó ngấm trong 30 phút.
- Đổ hỗn hợp qua rây lọc.
- Cho hỗn hợp vào một bình xịt nhỏ và xịt vào cổ họng sau mỗi 2 giờ hoặc khi cần thiết.
Rễ cây cam thảo
Cây cam thảo (Glycyrrhiza glabra) có các đặc tính như aspirin, có thể giúp giảm đau do viêm họng, kháng virus, kháng khuẩn và chống viêm. Một số nghiên cứu cho thấy, sau khi phẫu thuật, cam thảo có thể làm giảm đáng kể cơn đau họng do loại bỏ ống thở.
Để pha trà cam thảo, bạn có thể cho rễ cam thảo xay vào nước nóng, để nguội trong 5 phút, sau đó lọc lấy nước trước khi uống.
Viên ngậm thảo dược
Bên cạnh các đồ uống làm dịu và cung cấp nước, viên ngậm giúp thông cổ họng từ thảo dược có bán tại các nhà thuốc cũng giúp người bệnh dễ chịu hơn.
Kim Uyên (Theo Medical News Today)