Thực phẩm lên men
Hệ vi sinh vật đường ruột đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột có thể gây béo phì, viêm ruột. Thực phẩm lên men chứa vi khuẩn có lợi góp phần giảm các triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn, tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích. Ăn thực phẩm lên men từ đậu nành như natto, kim chi, sữa chua với số lượng vừa phải tốt cho sức khỏe tiêu hóa.
Rau lá xanh
Cải xoăn, rau diếp, rau bina có nhiều chất chống oxy hóa và vitamin, ít calo, có thể giảm viêm mạn tính. Các chất dinh dưỡng này hỗ trợ chống lại stress oxy hóa và vô hiệu hóa các gốc tự do - hai nguyên nhân phổ biến gây viêm. Bữa ăn nhiều rau xanh còn làm chậm sự phát triển xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Rau giàu chất xơ tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển, tăng cường quá trình tiêu hóa. Nguồn thực phẩm này cũng cung cấp nhiều canxi giúp các tổn thương ở xương khớp nhanh hồi phục. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo một người trưởng thành nên ăn ít nhất 300 g rau xanh mỗi ngày để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt có nhiều vitamin, khoáng chất, tốt cho tim và huyết áp, phòng tránh bệnh tiểu đường, ung thư. Thực phẩm này giàu omega-3, hỗ trợ hạ cholesterol xấu, giảm viêm trong cơ thể. Một số loại chất xơ trong ngũ cốc hoạt động như prebiotic nuôi dưỡng lợi khuẩn cho đường ruột, từ đó thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
Ăn ngũ cốc nguyên hạt giúp no lâu và hạn chế nạp thêm quá nhiều calo, tốt cho quá trình giữ dáng. Chế độ ăn uống lành mạnh gồm các loại ngũ cốc nguyên hạt còn có lợi cho não bộ, sức khỏe tổng thể.
Các loại đậu
Các loại đậu cung cấp nguồn chất đạm tốt, thay thế thịt trong chế độ ăn chay. Chúng còn tốt cho đường ruột, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, đột quỵ, tiểu đường. Chất xơ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tiêu hóa.
Nấm
Nấm chứa nhiều nước, chất chống oxy hóa, chất xơ, protein, vitamin, không có chất béo và cholesterol. Vitamin B, selen, kẽm và đồng trong nấm quan trọng trong việc sản xuất năng lượng trong tế bào, tăng cường hệ thống miễn dịch. Ăn nấm cũng góp phần phòng tránh các bệnh chuyển hóa, cải thiện sức khỏe nhận thức. Nấm cung cấp vitamin D dồi dào để phát triển răng, xương. Loại vitamin này là chất xúc tác quan trọng giúp cơ thể hấp thụ phốt phat, canxi tốt hơn.
Lê nguyễn (Theo Eating Well)