Các loại đậu
Các loại đậu bao gồm đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu lăng... Ngoài protein thực vật, chất chống oxy hóa polyphenol, đậu còn chứa chất xơ hòa tan và không hòa tan. Chúng hoạt động như prebiotic - nguồn thức ăn cho các vi khuẩn có lợi, bảo vệ sức khỏe đường ruột. Polyphenol từ các loại đậu cũng có tác dụng chống viêm.
Đường ruột khỏe mạnh cho phép các chất có lợi đi vào máu một cách chọn lọc. Khi đường ruột bị suy yếu, các chất có hại đi vào tuần hoàn máu, dẫn đến tình trạng viêm toàn thân, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.
Thực phẩm giàu probiotic
Probiotic là các vi sinh vật sống giúp định hình lại cấu trúc hệ vi khuẩn đường ruột, tăng cường chức năng miễn dịch, thúc đẩy sức khỏe tổng thể, cải thiện nhiều bệnh đường ruột. Probiotic làm giảm khả năng phát triển của vi khuẩn có hại, cho phép vi khuẩn có lợi phát triển mạnh.
Probiotic có trong sữa chua, thực phẩm lên men không tiệt trùng như dưa cải muối. Các vi sinh vật trong thực phẩm lên men có thể sống sót sau quá trình tiêu hóa, đến được ruột già, giúp hỗ trợ chức năng miễn dịch.
Thực phẩm cung cấp prebiotic
Prebiotic cung cấp năng lượng, chất dinh dưỡng cần thiết cho tế bào lót thành ruột, giúp lợi khuẩn trong đại tràng phát triển. Từ đó, chúng hỗ trợ tạo nên hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn có hại, ngăn ngừa viêm đường ruột. Prebiotic có trong nhiều loại thực phẩm như chuối, măng tây, ngũ cốc, lúa mạch.
Thực phẩm chứa nhiều polyphenol
Thực phẩm giàu polyphenol bao gồm táo, quả mọng, bông cải xanh, ca cao, hành, quả họ cam quýt, bông cải xanh, cà phê, atiso... Chúng có thể cải thiện tiêu hóa, chức năng não, lượng đường trong máu, chống lại các cục máu đông, bệnh tim, một số bệnh ung thư.
Quả bơ
Ăn quả bơ giúp vi khuẩn đường ruột phát triển, phân hủy chất xơ, sản xuất axit béo mạch ngắn có lợi. Người ăn quả bơ phát triển nhiều loại vi khuẩn đường ruột có lợi hơn so với người không ăn loại quả này.
Ăn một quả bơ mỗi ngày trong chế độ ăn kiêng có thể kiểm soát lượng calo nạp vào và bổ sung chất béo tốt cho cơ thể. Người ăn bơ thường xuyên, tiêu thụ nhiều rau củ quả và ít thực phẩm tinh chế hơn có thể duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, tránh tích tụ mỡ bụng. Loại quả này còn cung cấp kali có tác dụng giảm huyết áp. Sự cân bằng giữa tăng kali và giảm natri hỗ trợ cải thiện huyết áp cao.
Lê Nguyễn (Theo Health)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |