Suy giảm trí nhớ là bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ thông tin mới hoặc thông tin đã biết, thường biểu hiện là hay quên, lơ đãng, khó tập trung. Tình trạng xuất hiện ở người cao tuổi, người trẻ do áp lực công việc, lối sống và thói quen sinh hoạt thiếu khoa học.
BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chế độ ăn uống giàu dưỡng chất làm chậm quá trình thoái hóa thần kinh, giảm nguy cơ sa sút trí tuệ trong tương lai.
Các loại cá béo
Cá hồi, cá ngừ, cá mòi và các loại cá béo chứa hàm lượng omega-3 cao, nhất là DHA - đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cấu trúc tế bào thần kinh và cải thiện khả năng ghi nhớ. Bổ sung omega-3 đều đặn giúp tăng cường tuần hoàn máu lên não, giảm viêm, bảo vệ thần kinh. Người bị suy giảm trí nhớ nên ăn cá béo ít nhất 2-3 lần một tuần để đạt hiệu quả tốt.
Rau lá xanh
Cải bó xôi, rau bina, bông cải xanh chứa nhiều vitamin K, lutein, folate và beta-carotene - những chất chống oxy hóa mạnh. Bác sĩ Yến Thủy giải thích các hợp chất này giúp giảm stress oxy hóa, hỗ trợ bảo vệ tế bào não khỏi tổn thương và làm chậm quá trình suy giảm nhận thức, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Mỗi người nên bổ sung ít nhất 200-300 g rau xanh mỗi ngày, có thể chế biến thành salad, súp hoặc xào nhẹ.

Lựa chọn thực phẩm phù hợp chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho não. Ảnh: Phượng Thy
Quả mọng
Việt quất, dâu tây, mâm xôi... chứa các hợp chất chống oxy hóa là anthocyanin, flavonoid có lợi cho sức khỏe. Bổ sung các dưỡng chất thiên nhiên từ blueberry (việt quất), ginkgo biloba (bạch quả) thúc đẩy tăng cường máu lên não, giảm nguy đau đầu, sa sút trí nhớ.
Trứng
Lòng đỏ trứng cung cấp choline dồi dào, cần thiết để sản xuất acetylcholine - chất dẫn truyền thần kinh quan trọng cho trí nhớ và tâm trạng. Thiếu hụt choline có thể dẫn đến suy giảm khả năng ghi nhớ, tư duy. Theo bác sĩ Yến Thủy, người lớn có thể ăn 3-4 quả trứng mỗi tuần kết hợp với rau củ để cân bằng dinh dưỡng.
Các loại hạt
Hạt óc chó, hạnh nhân, hạt lanh chứa omega-3, vitamin E và chất béo không bão hòa hỗ trợ bảo vệ tế bào não khỏi tổn thương do gốc tự do và làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi. Ăn một nắm hạt nhỏ (khoảng 30 g) mỗi ngày là cách đơn giản để tăng cường sức khỏe não bộ mà không lo thừa calo. Bạn có thể ăn trực tiếp hoặc trộn vào salad, ngũ cốc để đa dạng khẩu vị.
Chocolate đen
Với hàm lượng cacao trên 70% chứa flavonoid và caffeine, chocolate đen hỗ trợ cải thiện lưu lượng máu đến não và tăng khả năng tập trung. Tuy nhiên, người bị suy giảm trí nhớ chỉ nên dùng khoảng 20-30 g mỗi ngày để tránh tác dụng phụ từ caffeine như mất ngủ.
Ngoài bổ sung thực phẩm, để nuôi dưỡng não bộ khỏe mạnh, mỗi người cần ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, hạn chế rượu bia và tập thể dục đều đặn. Người có dấu hiệu suy giảm trí nhớ bất thường nên đến chuyên khoa thần kinh để tầm soát sớm, kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả.
Phượng Thy