Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn như xúc xích và thịt xông khói có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Những người uống nhiều rượu bia cũng dễ mắc ung thư hơn những người không uống. Hạn chế hoặc tránh những loại đồ ăn, thức uống dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
Thịt đỏ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe bao gồm protein (chất đạm), sắt và vitamin B12. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu cho thấy ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư ruột già, ung thư thực quản. Cách chế biến thịt cũng đóng vai trò trong việc giải phóng các hóa chất gây ung thư. Nghiên cứu của Đại học Minnesota (Mỹ), các loại thịt được nấu ở nhiệt độ cao trực tiếp trên lửa, thịt hun khói có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Thịt chế biến sẵn (xúc xích, thịt bò muối, thịt xông khói, giăm bông, xúc xích, thịt bò khô...) chứa nhiều muối và chất béo bão hòa. Theo Viện Nghiên cứu ung thư Mỹ, tiêu thụ những thực phẩm này có liên quan đến ung thư đại trực tràng. Nó cũng có thể đóng vai trò đối với việc phát triển ung thư tuyến tụy, ung thư phổi, ung thư dạ dày và thực quản, ung thư mũi và họng.
Mọi người có thể thay thế một số loại thịt đỏ bằng thịt gia cầm, cá. Các loại hạt và các loại đậu là nguồn cung cấp protein từ thực vật có lợi cho sức khỏe thay vì protein động vật.
Thực phẩm có đường
Ăn quá nhiều đường có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe bao gồm béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch... Đường bao gồm cả fructose, lactose và maltose có liên quan đến các loại ung thư khác nhau. Mặc dù mối liên hệ trực tiếp chưa được chứng minh nhưng có bằng chứng về mối tương quan giữa chế độ ăn nhiều đường và ung thư. Nghiên cứu của Bệnh viện Avicenne (Pháp) trên gần 101.280 người trong gần sáu năm cho thấy, tổng lượng đường tiêu thụ có liên quan đến nguy cơ ung thư tổng thể cao hơn. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, giảm tiêu thụ đường có thể giảm nguy cơ ung thư.
Thực phẩm chứa chất béo bão hòa
Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa tiêu thụ chất béo bão hòa và ung thư vú. Chất béo bão hòa đến từ thịt đỏ và các nguồn thịt khác, ngoài ra còn có các sản phẩm từ sữa, đồ ăn nhẹ đã qua chế biến và một số loại dầu. Các lựa chọn để thay thế thực phẩm giàu chất béo bão hòa bao gồm dầu ô liu và thực phẩm có nhiều axit béo omega-3 như cá. Chất béo bão hòa gây ra một số rủi ro sức khỏe bao gồm cholesterol cao và bệnh tim, nên giảm chúng sẽ có lợi.
Rượu bia
Tiêu thụ quá nhiều đồ uống này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan như xơ gan, ung thư gan. Uống nhiều rượu bia cũng có liên quan đến ung thư vú, ung thư miệng và họng, ung thư đường tiêu hóa. Người uống rượu, cộng thêm hút thuốc càng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư. Nam giới uống nhiều rượu là khi uống bốn ly mỗi ngày (hoặc hơn 14 ly mỗi tuần) và nữ giới là ba ly mỗi ngày (hoặc hơn bảy ly mỗi tuần).
Thức ăn mặn
Ăn nhiều muối có nguy cơ phát triển ung thư vú, tuyến tiền liệt, gan và dạ dày. Mặc dù các nghiên cứu vẫn chưa có kết luận chính xác. Song, điều rõ ràng là muối dẫn đến tình trạng viêm mạn tính, có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển ung thư. Huyết áp, chức năng thận và thậm chí cả sức khỏe hệ thống miễn dịch cũng có thể bị ảnh hưởng bởi lượng muối sử dụng. Nồng độ natri cao có thể cản trở việc điều trị ung thư ở những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
Mọi người có thể giúp giảm nguy cơ ung thư bằng cách ăn uống cân bằng, lành mạnh, nhiều ngũ cốc, trái cây, rau và các loại đậu. Tập thể dục thường xuyên cũng tốt cho sức khỏe, có lợi ích trong việc phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Kim Uyên
(Theo Verywell Health)