Ung thư gan giai đoạn 4 (di căn) khi khối u nguyên phát trong gan đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó và các cơ quan khác trong cơ thể. Ung thư gan giai đoạn 4 được phân thành 4A và 4B. Ở giai đoạn 4A, khối u đã lan đến các hạch bạch huyết nhưng chưa lan đến các cơ quan khác. Giai đoạn 4B là khi khối u đã lan đến các cơ quan ở xa.
Trong giai đoạn đầu, ung thư gan có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi bệnh tiến triển và di căn, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, bụng sưng và có chất lỏng trong bụng (cổ trướng), chán ăn và cảm thấy no sau khi chỉ ăn một chút (no sớm), ngứa toàn thân, vàng da và mắt. Gan to, lá lách to ra, buồn nôn và nôn, đau xương bả vai phải, sưng ở chân, giảm cân không lý do cũng là những triệu chứng của căn bệnh này.
Trong một số trường hợp, khối u ung thư gan có thể bắt đầu sản xuất hormone. Những kích thích tố này có thể gây ra các triệu chứng bên ngoài gan, ảnh hưởng đến các cơ quan và hệ thống khác trong cơ thể. Dấu hiệu có thể gồm vú to ở nam giới hoặc co rút tinh hoàn; mức độ tế bào hồng cầu cao, cholesterol cao; tăng canxi máu có thể dẫn đến cảm giác bối rối, buồn nôn, yếu hoặc gây táo bón và các vấn đề về cơ; hạ đường huyết có thể gây mệt mỏi hoặc ngất xỉu.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Baylor (Mỹ), khoảng 40% trường hợp ung thư gan có liên quan đến viêm gan B, 40% do viêm gan C, 11% do uống rượu và 10% là các nguyên nhân khác.
Xơ gan: Tổn thương ở gan có thể dẫn đến sẹo, giai đoạn tiến triển nhất của sẹo được gọi là xơ gan. Lạm dụng rượu, nhiễm viêm gan B hoặc C, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh gan di truyền, viêm gan tự miễn, sử dụng lâu dài một số loại thuốc và các bệnh về gan khác có thể khiến gan bị sẹo. Xơ gan tiến triển và phát triển trong nhiều năm, là một yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Bệnh nhân xơ gan nên tầm soát ung thư gan định kỳ.
Viêm gan B và C: Nhiễm virus viêm gan B lâu dài là yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Nguy cơ ung thư gan có thể cao gấp 9 lần ở người bị viêm gan C mạn tính và gấp 12 lần ở người bị viêm gan B so với người không mắc hai bệnh này.
Gan nhiễm mỡ không do rượu: Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan. Gan nhiễm mỡ không do rượu có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn ở người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30, mắc bệnh tiểu đường type 2, có hàm lượng chất béo trong máu cao hơn hoặc mắc hội chứng chuyển hóa.
Bệnh di truyền: Mắc một số tình trạng di truyền ảnh hưởng đến ống dẫn mật và gan cũng có nguy cơ phát triển ung thư gan. Bệnh gồm bệnh Wilson, thiếu alpha-1 antitrypsin, bệnh thừa sắt, bệnh dự trữ glycogen, viêm đường mật nguyên phát và viêm đường mật xơ cứng nguyên phát, viêm gan tự miễn.
Aflatoxin: Một độc tố nấm độc gây ung thư được tạo ra bởi nấm mọc trên một số loại cây trồng như ngô, đậu phộng, bông và hạt cây. Tiếp xúc với aflatoxin là nguyên nhân gây ung thư gan ở một số khu vực đang phát triển trên thế giới.
Tổn thương gan do steroid đồng hóa: Việc sử dụng steroid đồng hóa (thuốc giúp cường hiệu suất doping) bị cấm và chỉ kê theo toa khi cần. Sử dụng thuốc này thường thấy ở vận động viên chuyên nghiệp hơn, được biết là gây tổn thương gan và có thể dẫn đến (rất hiếm) một loại ung thư gan hiếm gặp gọi là angiosarcoma.
Ung thư gan giai đoạn di căn thường không thể chữa khỏi. Các phương pháp điều trị chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng tiến triển hơn, kéo dài thời gian sống như dùng thuốc, hóa xạ trị, phẫu thuật... Tỷ lệ sống sót sau 5 năm chung cho ung thư gan giai đoạn 4 là 3%, đối với nam giới là 2,2% và nữ giới là 4%. Nếu không điều trị, tuổi thọ trung bình đối với ung thư gan giai đoạn 4 là dưới bốn tháng.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)