Hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa hoàn thiện trước 8 tuổi, do vậy trẻ có thể thường xuyên mắc các bệnh như cảm lạnh thông thường, sốt, tiêu chảy, đau họng...
Khi bị ốm, đa số trẻ đều lười ăn, thậm chí bỏ ăn. Ba mẹ nên chuẩn bị những thức ăn dễ tiêu hóa, có khả năng dung nạp nhanh, ưu tiên những món ăn mà trẻ thích. Phụ huynh nên chia nhỏ các bữa ăn với khẩu phần nhỏ thay vì ăn một bữa chính với yêu cầu trẻ phải ăn no.
Với bất kỳ bệnh lý nào, phụ huynh cũng cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Trong đó từng bệnh sẽ có những món ăn khác nhau, giúp trẻ đẩy nhanh tốc độ phục hồi, nhanh khỏi ốm hơn và giảm nguy cơ bệnh diễn biến xấu.
Bệnh tiêu hóa
Khi trẻ mắc các bệnh đường tiêu hóa, người lớn nên tránh cho con ăn thức ăn nhiều dầu mỡ và đồ uống có đường. Nhóm thực phẩm này có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn. Một số thực phẩm nên cho trẻ ăn khi có vấn đề tiêu hóa bao gồm:
Chuối: Chuối giàu kali, tinh bột kháng và pectin - một loại chất xơ prebiotic giúp cải thiện tiêu hóa . Chuối xanh có thể giúp giảm tần suất tiêu chảy.
Bánh quy giòn: Thức ăn mặn nhưng đơn giản như bánh quy giòn hoặc bánh quy ít ngọt có thể có lợi cho hệ tiêu hóa vì chúng giúp thay thế một số chất điện giải bị mất do nôn mửa. Các loại tinh bột đơn giản như bánh quy giòn, bánh mì trắng ít chất xơ, dễ tiêu hóa hơn.
Hạt chia: Hạt chia giàu chất xơ hòa tan, có thể giúp giảm triệu chứng tiêu chảy. Chất xơ hòa tan liên kết với nước và giúp hấp thụ chất lỏng dư thừa, làm tăng khối lượng phân và cải thiện độ đặc của phân.

Hạt chia có thể dùng kết hợp với nhiều món ăn. Ảnh: Freepik
Sổ mũi, viêm họng
Mùa đông, trẻ thường xuyên mắc các bệnh sổ mũi, viêm họng. Những thực phẩm sau đây có thể giúp giảm các triệu chứng, bao gồm:
Dâu tây: Dâu tây chứa nhiều vitamin C, chỉ với một cốc cung cấp 95% giá trị hàng ngày. Vitamin C hỗ trợ cải thiện sức khỏe miễn dịch, giúp ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng đường hô hấp. Dâu tây cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng như kali, folate, chất xơ, chất chống oxy hóa tích với đặc tính chống lại bệnh tật.
Trứng: Trứng là nguồn cung cấp vitamin D, kẽm cao với chi phí rẻ, 2 chất dinh dưỡng này đều có liên quan đến khả năng miễn dịch. Trong đó, kẽm có thể rút ngắn thời gian và mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh, hỗ trợ một phần nhỏ cho quá trình phục hồi.
Bơ đậu phộng: Món ăn này chứa nhiều protein, kẽm và vitamin E, giúp cho cơ bắp chắc khỏe, điều hòa trao đổi chất.
Dưa hấu: Khoảng 91% trái cây này là nước, nó sẽ giúp bổ sung chất lỏng, giảm các triệu chứng nghẹt mũi cho trẻ.

Dưa hấu nhiều nước, giúp bù chất lỏng cho trẻ. Ảnh: Freepik
Khoai tây nướng hoặc nghiền: Khoai tây nướng hoặc nghiền có vị nhạt, mềm và dễ tiêu hóa, hàm lượng calo cao giúp trẻ duy trì năng lượng.
Thức ăn chỉ hỗ trợ một phần cho quá trình phục hồi của trẻ. Phụ huynh nên cho con đi khám bác sĩ nhi khi con ốm để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Anh Chi (Theo Healthline)