Tăng huyết áp có thể gây biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Vĩnh Bình, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, một trong những yếu tố quan trọng giúp kiểm soát tình trạng này là ăn uống khoa học, hạn chế những thực phẩm dễ làm tăng huyết áp dưới đây.
Cơm trắng cung cấp nhiều carbohydrate có thể gây thừa glucose khi ăn quá nhiều. Glucose không được tiêu thụ hết chuyển hóa thành chất béo, làm tăng chất béo trung tính (triglyceride) - yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Bệnh xơ vữa động mạch khiến mạch máu hẹp và kém đàn hồi, cản trở lưu thông máu, buộc tim phải hoạt động mạnh hơn, tăng nguy cơ cao huyết áp.
Muối là tác nhân chính gây tăng huyết áp. Khi hấp thụ nhiều muối, lượng natri trong máu cao khiến cơ thể giữ nước để duy trì cân bằng, từ đó tạo áp lực lên thành mạch máu, dẫn đến huyết áp cao.
Đường tinh luyện trong đồ uống có gas, bánh kẹo, nước ngọt có khả năng làm tăng huyết áp thông qua thúc đẩy tăng cân. Đường bổ sung còn có tác động trực tiếp đến huyết áp làm tăng chỉ hai chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương.
Bánh mì và mì ống trắng đều được làm từ bột mì tinh chế, có chỉ số đường huyết cao, ít chất xơ. Lượng đường trong máu tăng cao, mỡ thừa tích tụ do ăn những thực phẩm này thường xuyên có thể dẫn đến hệ quả là huyết áp cao.
Các sản phẩm từ bột tinh chế như bánh mì trắng, bánh mì ngọt, bánh quy, bánh ngọt... khiến lượng mỡ trong cơ thể tăng, ảnh hưởng tim mạch, gia tăng nguy cơ cao huyết áp. Thay các loại tinh bột tinh chế bằng bánh mì nguyên cám hoặc sản phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt để cung cấp cho cơ thể nhiều chất xơ.
Khoai tây chứa hàm lượng tinh bột cao dễ làm tăng đường huyết sau khi tiêu thụ. Ngoài tinh bột, các món từ khoai tây như chiên hoặc nghiền chứa chất béo không lành mạnh không tốt cho sức khỏe tim mạch. Người thường xuyên bị cao huyết áp nên thay thế khoai tây trắng bằng khoai lang hoặc rau xanh bởi chúng có chỉ số đường huyết thấp và giàu chất xơ.
Để kiểm soát huyết áp hiệu quả, bác sĩ Bình khuyến cáo, người bệnh nên ưu tiên rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, lúa mạch, yến mạch, ngô) và protein từ cá, đậu, hạt. Ăn thực phẩm giàu kali (chuối, củ cải, cam) giúp loại bỏ natri dư thừa. Bổ sung các tinh chất thiên nhiên như policosanol (GDL-5) từ phấn mía Nam Mỹ còn góp phần điều hòa mỡ máu, hỗ trợ tuần hoàn, cân bằng huyết áp tự nhiên. Người bệnh nên uống đủ nước, hạn chế chất kích thích như rượu bia, caffeine, thuốc lá, vận động đều đặn, ngủ đủ giấc. Khám sức khỏe định kỳ, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ giúp duy trì huyết áp ổn định.
Đình Diệu