Giấc ngủ ngon cũng quan trọng với sức khỏe tương tự tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh. Ngủ kém ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tư duy, tâm trạng, sức khỏe tim mạch, miễn dịch... Tình trạng này cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác. Dưới đây một số thói quen giúp ngon giấc hơn vào ban đêm.
Tắm nắng buổi sáng
Dành thời gian tiếp xúc ánh nắng mặt trời tự nhiên vào buổi sáng có thể giữ cho nhịp sinh học cơ thể ổn định. Biện pháp này hỗ trợ cải thiện năng lượng ban ngày cũng như chất lượng và thời lượng ngủ ban đêm. Tắm nắng buổi sáng cũng thúc đẩy chu kỳ ngủ đều đặn.
Giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh vào buổi tối
Tiếp xúc với ánh sáng ban đêm có tác dụng ngược lại so với ban ngày vì nó làm giảm mức độ của một số hormone, bao gồm melatonin, giúp thư giãn và ngủ sâu. Ánh sáng xanh mà các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính... phát ra có thể ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ. Một số phương pháp giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm như đeo kính chặn ánh sáng xanh và tắt tivi cùng các thiết bị khác tối thiểu hai giờ trước khi ngủ.
Tránh dùng đồ uống chứa caffeine vào cuối ngày
Uống cà phê buổi sáng giúp tăng tập trung, năng lượng và hiệu suất thể thao. Tuy nhiên, dùng cuối buổi chiều hoặc tối muộn làm giảm tổng thời gian ngủ. Nguyên nhân là do caffeine tác động tiêu cực đến giấc ngủ REM trong chu kỳ ngủ. Để ngủ ngon, hãy tránh dùng đồ uống chứa caffeine ít nhất 8 giờ trước khi ngủ. Hạn chế dùng chất bổ sung caffeine tối thiểu 13 giờ trước khi ngủ.
Ngủ trưa vừa đủ
Ngủ trưa ngắn có lợi nhưng nếu ngủ quá lâu hoặc không đều ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ ban đêm. Ngủ nhiều vào ban ngày tác động đến đồng hồ bên trong, tức khó vào giấc ban đêm. Nếu giấc ngủ trưa đều đặn mang lại lợi ích thì bạn có thể duy trì khoảng 20-30 phút mỗi ngày. Trường hợp làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm, hãy cân nhắc hạn chế hoặc từ bỏ thói quen này.
Không ăn, tập thể dục quá khuya
Ăn khuya dễ gây trằn trọc, do đó mọi người nên ăn tối ít nhất vài giờ trước khi đi ngủ. Nếu thấy đói, bạn chỉ nên dùng vài món nhẹ.
Tập thể dục thường xuyên có lợi nhưng tránh trước khi đi ngủ. Bởi hoạt động thể chất làm tăng sự tỉnh táo và mức độ các hormone như epinephrine và adrenaline. Đây đều là những tác nhân cản trở chu trình ngủ.
Tránh uống rượu
Uống một vài ly rượu gần giờ ngủ có nguy cơ gây ra hoặc làm tăng triệu chứng ngưng thở khi ngủ, ngáy và gián đoạn giấc ngủ. Nó cũng làm thay đổi sản xuất melatonin vào ban đêm, trong khi hormone này đóng vai trò quan trọng trong nhịp sinh học của cơ thể.
Dùng giường, nệm và gối thoải mái
Kết cấu giường, nệm và gối có thể tác động trực tiếp đến giấc ngủ. Chẳng hạn nệm quá mềm làm tăng triệu chứng đau lưng dưới, gối quá cao khiến đau vai gáy, tất cả đều làm gián đoạn giấc ngủ ngon. Nên chọn nệm có độ cứng vừa phải, ưu tiên chất liệu thoáng mát, phù hợp với nhiệt độ phòng.
Bảo Bảo (Theo Healthline)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |