Thường xuyên nhịn tiểu
ThS.BS Nguyễn Ngọc Tân, khoa Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiều người nhịn tiểu để tránh gián đoạn công việc, song có thể khiến bàng quang giãn nở quá mức, tạo áp lực lên thận, lâu dần gây suy yếu chức năng thận. Nhịn tiểu lâu cũng làm nước tiểu bị kiềm hóa, trở thành môi trường cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, đồng thời dễ hình thành sỏi nhiễm trùng. Người trưởng thành nên đi tiểu 4-6 lần trong ngày hoặc mỗi 3 giờ, không nhất thiết phải thức dậy giữa đêm để đi tiểu.
Không uống đủ nước
Đây là tình trạng mà dân văn phòng hay gặp phải, có thể do bận rộn, ít vận động nên không cảm thấy khát nước, lâu ngày dễ khiến thận giảm hoạt động lọc máu. Cơ thể thiếu nước khiến lượng nước tiểu được thận tạo ra không đủ để đẩy các chất cặn, vi khuẩn ra khỏi hệ tiết niệu, có thể tạo thành sỏi hoặc gây tổn thương thận và nhiễm trùng tiểu.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Mỹ, lượng nước lý tưởng hàng ngày cho người trưởng thành sống ở khí hậu ôn hòa là 11,5 cốc (2,7 lít) với phụ nữ và 15,5 cốc (3,7 lít) với nam giới. Tại Việt Nam, lượng nước được khuyến cáo với người trưởng thành mỗi ngày có thể tính bằng công thức là lấy trọng lượng cơ thể nhân với 4.
Thức khuya
Chức năng thận được điều chỉnh bởi chu kỳ ngủ - thức, giúp điều phối khối lượng công việc của thận trong 24 giờ. Thức khuya, thiếu ngủ có thể cản trở khả năng tự phục hồi của cơ thể, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm suy giảm chức năng thận. Những người ngủ 6,5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ suy thận cao hơn, theo bác sĩ Tân. Do đó, mọi người nên ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm hoặc tùy theo độ tuổi và thể trạng. Duy trì lịch trình và thói quen ngủ đều đặn, tránh dùng caffeine trước khi đi ngủ.
Ngồi nhiều
Tính chất công việc phải ngồi nhiều giờ của dân văn phòng dễ gây béo phì, tiểu đường, cao huyết áp - những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây suy thận. Ít vận động còn khiến thận làm việc kém hiệu quả, giảm khả năng đào thải các chất cặn bã ra ngoài. Ngoài ra, cơ thể kém hấp thu canxi và tạo điều kiện thuận lợi để lượng canxi bài tiết vào nước tiểu nhiều hơn, lắng đọng thành sỏi. Bác sĩ Tân khuyên dân văn phòng hoạt động thể chất một tiếng mỗi ngày như tập thể dục, đi bộ, đạp xe... giúp giảm đáng kể khả năng mắc bệnh suy thận.
Nhịn ăn sáng
Buổi sáng là thời điểm túi mật trong cơ thể bắt đầu hoạt động bài tiết dịch để tiêu hóa thức ăn. Do đó, bỏ ăn sáng có thể gây tích tụ nhiều dịch mật, tạo điều kiện hình thành sỏi thận. Khi nhịn ăn sáng, cơ thể có thể điều chỉnh bằng cách làm chậm tốc độ trao đổi chất, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất để bảo tồn năng lượng, duy trì hoạt động sau một đêm, gây hại cho thận.
Mọi người nên ăn sáng đầy đủ với carbohydrate và protein giàu chất xơ, sau đó thêm các bữa ăn nhỏ và đồ ăn nhẹ trong suốt cả ngày để cung cấp năng lượng liên tục nhưng không quá nhiều.
Căng thẳng kéo dài
Khi căng thẳng, các hormone như adrenaline và cortisol được tiết ra, làm tăng nhịp tim và huyết áp. Trường hợp căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến huyết áp cao mạn tính, gây tổn thương cho các mạch máu, bao gồm cả mạch máu thận. Khi các mạch máu này bị hư hỏng, chức năng lọc máu của thận có thể suy giảm, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bác sĩ Tân khuyến cáo người làm văn phòng tập yoga, thiền và các bài tập thở, ăn uống lành mạnh để giảm căng thẳng hiệu quả.

Ăn nhiều hải sản không tốt cho thận. Ảnh: Hương Linh
Ăn uống không hợp lý
Chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ nội tạng, thịt đỏ, hải sản, rượu bia, ăn quá mặn và nhiều đạm khó chuyển hóa làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Ăn quá mặn còn có khả năng cao huyết áp, tổn thương chức năng thận, dẫn đến suy thận. Tiêu thụ quá nhiều đường có thể gây ra bệnh tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, ảnh hưởng đến chức năng lọc máu của thận. Hấp thụ quá nhiều chất đạm từ thịt động vật khiến thận phải làm việc nhiều hơn, tăng nguy cơ tổn thương thận, giảm độ lọc cầu thận (eGFR).
Uống rượu bia, đồ uống chứa cồn khiến thận phải tăng cường làm việc để loại bỏ chất độc hại ra khỏi cơ thể. Uống nhiều bia rượu còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường - hai trong số những tác nhân hàng đầu gây suy thận mạn. Để hạn chế phòng bệnh thận mạn tính và tránh các biến chứng nguy hiểm do suy thận, mọi người nên ăn uống lành mạnh với các thực phẩm đủ năng lượng, ít muối, nhiều chất xơ, bớt chất bột đường và đạm.
Hằng Trần
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |