Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là một trong những loại nhiễm trùng phổ biến nhất trên thế giới với ước tính hơn 150 triệu người mắc mỗi năm. Vi khuẩn E.coli là nguyên nhân chính gây ra UTI, bên cạnh một số loại vi khuẩn khác.
Nhiễm trùng tiểu có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhưng bệnh thường xuyên tái phát. Hơn nữa, việc lạm dụng kháng sinh có thể gây ra những hậu quả tiêu cực về lâu dài, như làm giảm lượng lợi khuẩn trong đường tiết niệu và góp phần gia tăng các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh.
Một số nghiên cứu cho biết có tới 42% trường hợp nhiễm trùng tiểu nhẹ và không biến chứng có thể hồi phục mà không cần sử dụng kháng sinh. Dưới đây là những loại thảo mộc và chất bổ sung tự nhiên có thể giúp ngăn ngừa và điều trị UTI nhẹ.
Tỏi
Tỏi từ lâu đã được sử dụng để điều trị nhiều bệnh, bao gồm nhiễm nấm, virus và vi khuẩn. Khả năng chữa bệnh của tỏi được cho là nhờ hợp chất có tên allicin. Trong các nghiên cứu, allicin thể hiện tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn truyền nhiễm, gây nhiễm trùng đường tiết niệu, bao gồm cả E.coli. Do đó, tỏi có thể được xem là một liệu pháp thay thế để điều trị UTI, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận hiệu quả này.
Tỏi có thể được tiêu thụ ở dạng nguyên chất, hoặc được bán dưới dạng chiết xuất và tiêu thụ ở dạng viên nang. Tỏi an toàn cho hầu hết mọi người, nhưng có thể tác dụng phụ như ợ nóng, hôi miệng và mùi cơ thể. Nên tránh dùng nếu bạn có tiền sử dị ứng với tỏi hoặc các loại thực vật có họ hàng gần khác, chẳng hạn như hành hoặc tỏi tây.
Nam việt quất
Các sản phẩm từ nam việt quất, bao gồm nước ép và chất chiết xuất, là một trong những lựa chọn phổ biến nhất để điều trị UTI. Quả nam việt quất chứa nhiều loại hợp chất hóa học, như D-mannose, axit hippuric và anthocyanin, có thể hạn chế khả năng vi khuẩn bám vào đường tiết niệu, do đó cản trở sự phát triển và khả năng gây nhiễm trùng của chúng.
Các nghiên cứu trong ống nghiệm và trên động vật đã chứng minh rằng nam việt quất ngăn ngừa UTI, nhưng nghiên cứu trên người cho thấy kết quả kém thuyết phục hơn.
Nước ép nam việt quất và các chất bổ sung từ loại quả này hầu như an toàn, nhưng có thể gây khó chịu cho dạ dày. Ngoài ra, sử dụng lâu dài có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận. Hơn nữa, tiêu thụ quá nhiều calo từ nước ép nam việt quất có thể gây tăng cân không cần thiết và liều lượng lớn chất bổ sung nam việt quất có thể ảnh hưởng đến một số loại thuốc làm loãng máu.
Trà xanh
Trà xanh có nguồn gốc từ lá của cây trà (Camellia sinensis). Chúng chứa nhiều hợp chất thực vật được gọi là polyphenol, có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm mạnh.
Epigallocatechin (EGC), một hợp chất trong trà xanh, đã được chứng minh có khả năng chống lại các chủng vi khuẩn E.coli gây nhiễm trùng tiết niệu. Một số nghiên cứu về động vật cũng đã phát hiện ra rằng chiết xuất trà xanh có chứa EGC có thể cải thiện hiệu quả của một số loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị UTI. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các nghiên cứu trên người để đánh giá khả năng điều trị và ngăn ngừa bệnh này của trà xanh.
Một cốc (240 ml) trà xanh đã pha chứa khoảng 150 mg EGC. Nghiên cứu cho hay chỉ cần 3-5 mg EGC là đủ để ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong đường tiết niệu, nhưng lý thuyết này vẫn chưa được chứng minh ở người.
Uống một lượng trà xanh vừa phải không gây vấn đề gì. Tuy nhiên, chúng cũng chứa caffein, có thể gây mất ngủ và bồn chồn. Hơn nữa, tiêu thụ caffein trong khi bạn đang bị nhiễm trùng tiểu có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Vì vậy, bạn có thể chọn các sản phẩm trà xanh đã khử caffein để thay thế.
Một số loại trà khác cũng được cho là có tác dụng ngăn ngừa và giảm nhẹ các triệu chứng UTI nhưng cần có thêm nhiều nghiên cứu chứng minh hơn, bao gồm:
Trà mùi tây: Rau mùi tây có tác dụng lợi tiểu nhẹ, được cho là giúp loại bỏ vi khuẩn gây UTI ra khỏi đường tiết niệu. Báo cáo cho thấy rằng kết hợp trà mùi tây, tỏi và chiết xuất nam việt quất đã ngăn ngừa tái phát UTI ở một số trường hợp phụ nữ bị UTI mạn tính. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định liệu những kết quả này có thể được nhân rộng trong các nhóm lớn hơn hay không.
Trà hoa cúc: Trà hoa cúc được sử dụng trong thực hành y học thảo dược để điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm cả UTI. Giống như rau mùi tây, hoa cúc có tác dụng lợi tiểu yếu và chứa các hợp chất thực vật có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Những tính năng này được cho là giúp giảm viêm, ức chế sự phát triển của vi khuẩn và làm sạch đường tiết niệu.
Trà bạc hà: Trà bạc hà đôi khi cũng được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên cho UTI. Một số nghiên cứu ống nghiệm đã phát hiện ra rằng lá bạc hà có tác dụng chống lại nhiều loại vi khuẩn gây UTI như E.coli. Một số hợp chất được tìm thấy trong lá bạc hà cũng có thể giảm khả năng kháng thuốc của vi khuẩn đối với thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, hiện tại không có nghiên cứu nào chứng minh việc sử dụng trà bạc hà để chống nhiễm trùng tiểu ở người.
UTI có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của hệ thống tiết niệu, nhưng thường bắt đầu ở các cơ quan của đường tiết niệu dưới, bàng quang và niệu đạo. Các triệu chứng phổ biến liên quan đến UTI bao gồm: cảm giác nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, nước tiểu đục, sẫm màu hoặc có máu, sốt hoặc mệt mỏi, đau ở xương chậu, bụng dưới hoặc lưng.... Nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm trùng tiểu, nên thăm khám càng sớm càng tốt, bởi nhiễm trùng nhẹ có thể nhanh chóng trở nên nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong nếu quá lâu không được điều trị.
Anh Ngọc (Theo Healthline)