Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) do liên cầu khuẩn nhóm B khá hiếm, chủ yếu xảy ra ở những người bị suy giảm miễn dịch (người bệnh tiểu đường hoặc ung thư), người cao tuổi, phụ nữ mang thai hoặc người bị béo phì. Chúng chiếm 2-3% nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu ở người lớn khỏe mạnh. Bình thường, loại vi khuẩn này trú ngụ ở đường tiêu hóa và bộ phận sinh dục nhưng không gây hại.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), các chuyên gia vẫn chưa hiểu đầy đủ về cách thức liên cầu khuẩn lây lan giữa người và gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai có thể truyền vi khuẩn cho thai nhi trong thai kỳ. Khoảng 25% bà bầu mang liên cầu khuẩn nhóm B. Do đó, các bác sĩ chuyên khoa sản sẽ thường xuyên kiểm tra các mẹ bầu tìm liên cầu khuẩn nhóm B nhằm ngăn ngừa bệnh nặng hoặc lây lan vi khuẩn sang thai nhi. Ngoài ra, phụ nữ từ 60 tuổi trở lên cũng dễ bị ảnh hưởng bởi liên cầu khuẩn nhóm B.
Các triệu chứng của UTI do liên cầu khuẩn B bao gồm: sốt; đi tiểu đau hoặc rát; đi tiểu thường xuyên; áp lực hoặc đau ở vùng bụng dưới; đau lưng dưới; nước tiểu màu đỏ, hồng hoặc sẫm màu.
Điều trị nhiễm trùng tiểu do liên cầu khuẩn thường bao gồm thuốc kháng sinh đường uống từ 3 đến 7 ngày, tùy thuộc vào các triệu chứng. Giống như hầu hết các nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu do vi khuẩn khác, nhiễm trùng do liên cầu khuẩn thường khỏi khi điều trị trong vòng 3-4 ngày. Thời gian hồi phục có thể lâu hơn nếu người bệnh phát triển các biến chứng như viêm bàng quang hoặc nhiễm trùng thận. Điều này có nhiều khả năng xảy ra nếu một người mắc bệnh mạn tính như rối loạn tự miễn dịch hoặc bất thường về cấu trúc trong hệ thống tiết niệu.
Phụ nữ mang thai và các nhóm người nguy cơ cao khác cần điều trị UTI càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng thai nhi. Cách duy nhất để biết nguyên nhân gây nhiễm trùng là đi xét nghiệm. Sau khi được kiểm tra, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho từng trường hợp.
Nhiễm trùng tiết niệu không được điều trị có thể dẫn đến các triệu chứng và biến chứng tồi tệ hơn như: sỏi tiết niệu, viêm bể thận (nhiễm trùng thận nặng); viêm bàng quang; tiểu không tự chủ; áp xe thận; viêm tuyến tiền liệt mạn tính; áp xe tuyến tiền liệt; tăng huyết áp hay suy thận.
Ngoài UTI, liên cầu khuẩn nhóm B cũng có thể gây ra: nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng xương và khớp, da và mô mềm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có tới 33% tổng số người trên toàn thế giới mang liên cầu khuẩn nhóm B và thường không xuất hiện triệu chứng bởi vi khuẩn tồn tại vô hại trong cơ thể nhưng không gây nhiễm trùng.
Như Ý (Theo Healthline)