Đau đầu là bệnh lý về thần kinh phổ biến với tỷ lệ 78,3% số người từng mắc phải ít nhất một lần trong đời. Dù đau đầu là một triệu chứng đáng lo ngại, có thể cảnh báo nguy cơ đột quỵ, song bệnh vẫn chưa được người dân nhận thức đúng về mức độ nghiêm trọng. Điều này có thể dẫn đến sự chủ quan trong việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị, khiến người bệnh chịu nhiều hậu quả đáng tiếc, TS.BS Lê Văn Tuấn - Chuyên gia Nội thần kinh, BVĐK Tâm Anh, cho biết.
Đau đầu có thường gặp hay không?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 50% số người lớn trên thế giới ít nhất bị đau đầu một lần trong năm. Người từ 18 - 65 tuổi chiếm từ 1/3 - 1/4 trong số đó và ít nhất 30% trong số đó thuộc về bệnh đau đầu Migraine. Các số liệu này cho thấy, đau đầu là một tình trạng phổ biến và người trưởng thành có xu hướng mắc chủ yếu.
Tỷ lệ đau đầu ở nam và nữ có khác không?
Đa số các nghiên cứu đều ghi nhận, tỷ lệ đau đầu ở phụ nữ thường cao hơn nam giới. Sự khác biệt này đặc biệt rõ ràng ở bệnh đau đầu Migraine với tỷ lệ phụ nữ mắc cao gấp 3 lần nam giới. Ngoài ra, các cơn đau đầu Migraine ở nữ thường nặng hơn và ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hơn ở nam. Trong khi đó, nam giới thường có xu hướng mắc chứng đau đầu cụm nhiều hơn.
Có mấy loại đau đầu?
Bệnh đau đầu được chia làm hai loại, đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát.
- Đau đầu nguyên phát: Là loại đau đầu không rõ nguyên nhân, kể cả khi được khám, làm xét nghiệm, chụp hình ảnh não. Đau đầu nguyên phát lại được chia làm hai dạng, đó là đau đầu căng thẳng và đau đầu Migraine.
- Đau đầu thứ phát: Là loại đau đầu được gây ra từ một nguyên nhân cụ thể có thể xuất phát từ các vấn đề trong sọ, cạnh sọ hoặc các nguyên nhân toàn thân như do sốt, dùng thuốc, rối loạn chuyển hóa.
Số ca đau đầu phải cấp cứu có cao không?
Đau đầu chiếm 1-4% số ca phải nhập viện cấp cứu. Đa số các trường hợp phải cấp cứu do đau đầu là lành tính. Khoảng 5% trong số đó là đau đầu thứ phát và một tỷ lệ nhỏ có thể gây nguy hiểm.
Làm thế nào để nhận biết loại đau đầu nào nguy hiểm?
Đau đầu đa phần là không nguy hiểm. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng lại có biểu hiện là đau đầu. Các nguyên nhân đau đầu nguy hiểm có thể gặp như xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ phình động mạch não, huyết khối tĩnh mạch nội sọ (thường hay được nhắc đến nhiều như là một biến chứng của chủng ngừa covid-19), viêm màng não, viêm não, u não...
Một số đặc điểm cho thấy đau đầu có thể là nguy hiểm bao gồm:
- Lớn tuổi: Người từ trên 50 tuổi lần đầu tiên bị đau đầu, có khả năng tình trạng này xuất phát từ một nguyên nhân nghiêm trọng, cần phải chú ý theo dõi.
- Khởi phát đột ngột: Tình trạng đau đầu dữ dội với khởi phát đột ngột có thể gặp trong trường hợp xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch não.
- Đau đầu kèm với các nguyên nhân toàn thân: Đôi khi tình trạng đau đầu còn thường đi kèm với các bệnh lý nguy hiểm như ung thư hoặc suy giảm miễn dịch.
- Khám thấy dấu hiệu thần kinh bất thường (một số dấu hiệu này có thể được nhận biết bởi người bệnh hay người thân) như nói khó, liệt mặt, sụp mi mắt, nhìn đôi, tê mặt, yếu liệt tay chân, đi lảo đảo, cổ cứng...
- Kiểu đau đầu thay đổi: Các trường hợp đau đầu mạn tính hay kéo dài như đau đầu kiểu căng thẳng, Migraine thường có các cơn đau đầu tái phát và đặc điểm cũng không thay đổi nhiều so với những lần đau đầu trước đây. Nếu đau đầu lần này không giống các lần đau đầu trước đây (như đau không giảm với thuốc giảm đau, đau tăng dần) thì có khả năng là một nguyên nhân mới xuất hiện và gây đau đầu.
Tỷ lệ bệnh nhân đau đầu được điều trị có cao không?
Tỷ lệ đau đầu chiếm khoảng 50% dân số, tuy nhiên chỉ 4% trong số đó được khám bởi các bác sĩ đa khoa. Có khoảng 40% bệnh nhân đau đầu được kê toa các thuốc điều trị Migraine (điều trị đặc hiệu) và chỉ 2% được đến khám ở bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh tại Anh.
Người bệnh nên lưu ý các triệu chứng gì?
Các đặc điểm đau đầu cần ghi chú bao gồm:
- Đau bao nhiêu lần?
- Đau từng cơn hay đau liên tục?
- Đau ở trong đầu, đau nửa đầu, đau 2 bên, đau vùng trán hay vùng chẩm?
- Thời gian cơn đau kéo dài bao lâu?
- Cường độ đau thế nào? Đau nhẹ, vừa hay nặng?
- Đau đầu có kèm buồn nôn hay nôn thật sự?
- Các hoạt động như đi, chạy, ho, rặn có làm tình trạng đau tăng lên hay không?
- Trong cơn đau khi gặp ánh sáng chói có khó chịu hay tăng đau hơn hay không?
- Trong cơn đau khi nghe tiếng ồn có khó chịu hay tăng đau hơn hay không?
- Khi bị đau đầu thì có gì làm giảm đau được như uống thuốc, nằm nghỉ, ngủ hay không?
- Đau có liên quan đến loại thức ăn, đồ uống đặc biệt các chất có cồn như bia, rượu?
- Nếu ở phụ nữ thì đau đầu có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hay không?
Làm thế nào để đánh giá độ nặng của cơn đau đầu?
Có nhiều cách để đánh giá độ nặng của cơn đau đầu, phổ biến nhất là việc dùng thang đo độ nặng của cơn đau. Các thang đo này có thể được chia thành 3 nhóm:
- Thang đo đánh số: Thước đo ghi từ 0-10, trong đó 0 là không đau và 10 là đau nhiều nhất. Bệnh nhân đau ở mức độ nào thì chỉ vào số tương ứng (cảm nhận của riêng bệnh nhân).
- Thang đo nhìn: Điểm đầu là không đau, điểm cuối là đau nhiều nhất, bệnh nhân sẽ ước lượng khoảng đau ở giữa các điểm này (hay ở đầu hoặc ở cuối)
- Thang đo bằng các đặc điểm: Có các hình khuôn mặt khác nhau đại diện cho các mức độ đau. Bệnh nhân sẽ chọn khuôn mặt tương ứng với mức độ đau của mình.
Đánh giá hiệu quả điều trị một phần qua đánh giá điểm của thang đo. Nếu điểm giảm thì đáp ứng với điều trị, nếu điểm tăng thì điều trị chưa hiệu quả.
Anh Ngọc